Hạn chế sụt lún ở ĐBSCL

05/03/2019 06:23 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng để hạn chế tình trạng sụt lún của ĐBSCL có nhiều cách nhưng phải dựa trên tinh thần phát triển “thuận thiên” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo.

Thiết lập mạng lưới quan trắc

Theo TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), có thể phải nghĩ tới việc ưu tiên khu vực bảo vệ khi tiềm lực kinh tế không đủ giúp giữ toàn bộ ĐBSCL. Nhưng giữ ở đâu cũng là một câu hỏi khó trả lời ngay bởi cần có số liệu đo lún đủ dày với nhiều điểm đo hơn để có bộ dữ liệu thực chính xác.
Đây chính là điều mà các kết quả mô phỏng đã công bố không thể đáp ứng được. Đó là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nơi nắm giữ nguồn nhân lực, vật lực và chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này.
Quan trọng trước mắt là cơ quan quản lý nhà nước phải thiết lập mạng lưới quan trắc, mật độ đủ dày giống như trạm quan trắc mực nước thủy văn thì mới có dự báo tốt và chính xác được.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL, cho rằng: ĐBSCL thuộc lưu vực sông Mê Kông, là một trong những nơi dồi dào nước ngọt nhất trên trái đất nhưng sông rạch không còn sử dụng được do ô nhiễm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì cần tính đến giải pháp nước ngọt cho vùng ven biển và phục hồi sông ngòi nội địa. Mà muốn vậy phải chuyển hướng nền nông nghiệp theo Nghị quyết 120 của Chính phủ mới có hy vọng.
Cũng theo ông Thiện, ĐBSCL không nên chạy theo phát triển công nghiệp lạc hậu vì sẽ đe dọa nguồn nước sông ngòi, kể cả nước mưa vì ô nhiễm không khí (làm ảnh hưởng đến chất lượng nước mưa - PV).
Quan trọng hơn là không nên lầm tưởng công trình ngăn mặn, trữ ngọt sẽ cung cấp được nước ngọt cho sinh hoạt, đặc biệt ở các vùng nông thôn và ven biển cần khuyến khích và hỗ trợ người dân sử dụng các phương pháp truyền thống như tích trữ nước mưa cho mùa khô. Trang bị các thiết bị lọc nước cho người dân bằng các công nghệ mới.

Kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho biết khoảng giữa năm nay, các chuyên gia Hà Lan nghiên cứu về sụt lún ĐBSCL tiếp tục sang VN làm việc trên tinh thần hợp tác giữa chính phủ hai nước.
“Theo tôi, việc đầu tiên là chúng ta không làm tình hình xấu thêm. Có nghĩa là kiểm soát và hạn chế đến mức tối đa việc khai thác nước ngầm vì nó sẽ làm giảm tốc độ lún của đồng bằng. Bước thứ hai, khôi phục các nguồn nước ngọt (nước mặt), các vùng trũng trữ nước tự nhiên trước đây. Bước thứ ba, nếu toàn bộ hệ thống 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được triển khai thì đồng bằng sẽ không còn hạt phù sa nào.
VN cần nhìn thấy nguy cơ này, từ đó xây dựng chiến lược hợp tác với các nước trong khu vực cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần mở rộng sự hợp tác với các nước cũng như các tổ chức quốc tế về vấn đề này”, ông Tuấn nói.
Cũng theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, cuối năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; dựa trên tinh thần “thuận thiên” - thuận tự nhiên, hạn chế việc can thiệp quá mức vào thiên nhiên. Nhưng thời gian qua vẫn còn nhiều cách hiểu, diễn dịch khác nhau về việc này. Có nơi cho rằng phải làm các công trình, đặc biệt là công trình lớn ngăn mặn, giữ ngọt để sống chung với biến đổi khí hậu mới là thuận thiên.
“Cách hiểu như vậy là rất phản tự nhiên. Chúng ta đâu có thể xây đê đập bao quanh cả vùng ĐBSCL để chống lại nước biển xâm nhập”, ông Tuấn nói.
Tính giá hàng hóa nước ngầm
Trong một nghiên cứu ước lượng giá trị kinh tế của nước ngầm (đối với cây cà phê ở Tây nguyên), TS Lê Việt Phú, ĐH Fulbright VN, cho biết: Giá trị nước ngầm phục vụ tưới tiêu ở VN ước tính ra mỗi héc ta khoảng 6,32 triệu đồng/năm, tương đương 1/3 thu nhập ròng trên mỗi héc ta đất. Như vậy, tổng giá trị của nước ngầm cho tưới tiêu nông nghiệp không thấp hơn 1.200 tỉ đồng (năm 2010). Vì vậy, để bảo vệ tránh việc khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt, cần coi nước ngầm là hàng hóa khan hiếm và người dùng phải trả giá để được sử dụng nước theo đúng giá trị gia tăng mà nó tạo ra cho xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.