Hàng loạt 'người chết sống lại' ký giấy cho tặng đất

11/10/2019 04:59 GMT+7

Chuyện hy hữu xảy ra tại xã Quảng Châu, H.Quảng Trạch (Quảng Bình). Hàng chục bộ hồ sơ liên quan đến tặng, cho đất đai, chế độ chính sách , giấy khai tử, khai sinh đã bị cán bộ xã này làm khống và ký xác nhận.

Sau khi tiếp nhận nhiều thông tin bức xúc phản ánh của người dân địa phương, ngày 4.10, PV Thanh Niên đến xã Quảng Châu xác minh, phát hiện nhiều bộ hợp đồng do… người chết “thực hiện”. Theo đó, có 5 trường hợp người đã chết nhiều năm trước nhưng vẫn tiến hành làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ) dẫn đến thất thu tiền thuế. Các hợp đồng được làm, ký kết tại UBND xã Quảng Châu và được lãnh đạo xã này xác nhận.

Chết hơn 30 năm vẫn ký hợp đồng (!)

Cụ thể, hợp đồng số 34/2010, ông Đàm Dài (sinh năm 1930) tặng cho vợ chồng con trai là Đàm Xuân Cảnh, Đàm Thị Lan thửa đất số 416 nhưng tại sổ khai tử lưu ở UBND xã Quảng Châu (cũng do ông Đàm Xuân Cảnh đăng ký khai tử), ông Đàm Dài lại sinh năm 1924 và... đã chết từ năm 2008. Ngoài ra, trong bộ hồ sơ đề nghị chuyển nhượng QSDĐ trên có 1 giấy chứng tử (bản chính) của bà Đặng Thị Thia (mẹ ông Cảnh, đã chết năm 1995) mang số 18/2009, nhưng trong sổ khai tử lưu tại UBND xã thì số chứng tử này là của ông Nguyễn Văn Điệp. Như vậy, giấy chứng tử của bà Thia đã được làm khống.
Tương tự là hợp đồng ngày 4.9.2013, ông Đặng Đình Nhung tặng cho vợ chồng con trai út là Đặng Quang Dũng, Phạm Thị Hằng thửa đất số 1040. Tuy nhiên, trong một vụ việc khác sau đó, chính ông Dũng khai ông Nhung đã chết từ năm 1992.
Ông Đàm Tẹo chết năm 1995 theo hồ sơ chế độ dân công hỏa tuyến nhưng năm 2013 vẫn "làm" hợp đồng tặng cho QSDĐ, thửa đất số 728 cho vợ chồng con trai Đàm Quốc Tuấn. Ông Đàm Hữu Viễn chết năm 2008 nhưng đến năm 2013 vẫn làm hợp đồng tặng cho QSDĐ cho vợ chồng cháu trai Đàm Văn Quân thửa đất số 797. Còn tại hợp đồng năm 2010, ông bà Đặng Văn Huy và Nguyễn Thị Ngại tặng cho QSDĐ thửa đất 336 cho vợ chồng con trai Đặng Ngọc Hưng, nhưng qua xác minh của cán bộ xã ông Huy chết từ năm 1979 trong vụ chìm đò Quảng Châu.
Ngoài ra, có 5 bộ hợp đồng tặng cho QSDĐ khác bị làm khống giấy chứng tử của người tặng cho, gồm các trường hợp: Phạm Thị Khuê, Lê Thị Vạn,Từ Thị Hải, Đàm Thị Nhi, Đàm Văn Lợi. Thêm nữa, 2 giấy khai sinh của 2 người con ông Lợi là Đàm Văn Long, Đàm Văn Thắng cũng bị làm khống...
Hàng loạt “người chết sống lại” ký giấy cho tặng đất1

Ông Đàm Dài đã chết năm 2008, nhưng năm 2010 vẫn "làm" hợp đồng và được UBND xã Quảng Châu xác nhận

Làm giả hồ sơ chế độ

Quá trình xác minh tại xã Quảng Châu, PV Thanh Niên còn phát hiện chuyện “động trời” khác: 17 bộ hồ sơ làm chế độ trợ cấp “dân công hỏa tuyến” (theo Quyết định 49/2015 của Thủ tướng Chính phủ) bị làm khống bản trích lục khai tử để chứng minh nhân thân. Cụ thể, có 6 giấy trích lục mang số không hề có trong sổ khai tử lưu tại UBND xã của các ông Đàm Hỷ, Đặng Nguyên Nhung, Đàm Thập, Phạm Sáng và các bà Phạm Thị Hạp, Đàm Thị Giếng. 11 giấy có số tại sổ lưu, nhưng đó là bản khai tử của... người khác, gồm: Đặng Đình Nhung, Đàm Tẹo, Tạ Văn Chương, Đặng Mày, Nguyễn Văn Nghiêu, Trịnh Thị Yến, Đàm Đình Chú, Đàm Lượng, Đàm Nâu, Tạ Vấn, Đặng Văn Cuống. Riêng giấy của 2 ông Vấn và Cuống cùng mang số 61. 17 giấy khống đó đều do ông Đặng Anh Toán ký xác nhận trích lục năm 2016, trên cương vị Phó chủ tịch UBND xã. Hiện ông Toán giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.
Đáng nói, tất cả các giấy tờ liên quan chứng tử, khai sinh khống nói trên đều do ông Đàm Văn Minh, lúc đó là cán bộ tư pháp hộ tịch xã, thực hiện. Hiện ông Minh đã giữ chức Phó chủ tịch UBND xã. Ngay cả bản sao giấy chứng tử của bố mình (ông Đàm Nâu) cũng được ông Minh làm khống.

“Vụ việc rất nghiêm trọng”

Sau khi phát hiện những sai phạm trên, PV Thanh Niên đã làm việc trực tiếp với ông Đàm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã, và cán bộ tư pháp xã, xã đội. Các cán bộ này đều nhìn nhận có sự giả mạo như PV Thanh Niên đề cập. Đến ngày 9.10, ông Đàm Xuân Vinh cho hay: “Sáng nay tôi đã gọi cán bộ địa chính lên yêu cầu kiểm tra, rà soát, xác minh lại để có hướng xử lý với những bộ hợp đồng tặng cho không đúng; không thể có chuyện người chết mấy năm rồi vẫn làm cho tặng đất được. Cũng như chế độ dân công hỏa tuyến, sai thì phải thu hồi. Anh em tôi quyết tâm xử lý vấn đề này, không phải để ai muốn làm gì thì làm đâu nhưng xử lý sai phạm phải theo từng bước và cần có thời gian xác minh, đề xuất lên cấp huyện quyết định vì cấp huyện là nơi ra các quyết định. Trước đó, sau khi làm việc với nhà báo, ngày 7.10, tôi đã báo cáo vụ việc lên Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Về xử lý cán bộ sai cũng theo quy trình, các bước”.
Còn ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND H.Quảng Trạch, cho biết: “Nếu đúng như thế thì đây là vụ việc rất nghiêm trọng, tôi sẽ yêu cầu báo cáo và lập đoàn kiểm tra, xác minh ngay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.