Hành trình 21 năm dự án Khu công nghệ cao TP.HCM

06/08/2019 08:47 GMT+7

Mặc dù đã có quá trình triển khai kéo dài suốt 21 năm, nhưng Khu công nghệ cao TP.HCM vẫn còn vướng khiếu nại kéo dài. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, lãnh đạo đương nhiệm của TP.HCM rất mong muốn giải quyết dứt điểm vấn đề khiếu nại...

Theo kế hoạch được ban hành, hôm nay 6.8, UBND TP.HCM chủ trì họp báo, và Chủ tịch UBND Q.9 cung cấp thông tin, kế hoạch giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình triển khai dự án Khu công nghệ cao TP.HCM (Q.9). Báo Thanh Niên sẽ cập nhật thông tin về những diễn biến mới nhất này.

Khu công nghệ cao TP.HCM là dự án quy mô, tiên phong trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao. Tuy nhiên, những sai phạm trong quá trình triển khai, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Lãnh đạo TP.HCM đang có nhiều nỗ lực giải quyết nhằm hướng đến sự ổn định đời sống các hộ dân có liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...

Thay mặt chính quyền thành phố, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm về sai sót của dự án; và thời gian qua thành phố nghiêm túc thực hiện sửa chữa những sai sót mà trước đó Thanh tra Chính phủ chỉ ra

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Thanh tra Chính phủ đã có kết luận

Giống như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Q.2, dự án Khu công nghệ cao có thời gian triển khai kéo dài và ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 4.11.1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989 về chuẩn bị thành lập Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng diện tích 800 ha.

Ngày 25.4.2004: UBND TP.HCM có văn bản số 1335 kiến nghị Thủ tướng thu hồi 804 ha (tăng 4 ha so với Quyết định 989).

Ông Lê Văn Kiêm (65 tuổi) đứng trước dự án Khu công nghệ cao. Gia đình ông Kiêm có nhiều năm, từ thời ông nội ông Kiêm, đã lập nghiệp ở Q.9 nên anh chị em ông có quyền sử dụng tới hơn 27.000 m2 đất mặt tiền đường Bưng Ông Thoàn. Đây cũng là nguồn sinh kếcho hơn 50 thành viên trong đại gia đình “tứ đại đồng đường”. Tuy nhiên sau đó toàn bộ diện tích đất bị thu hồi với giá rất rẻ: đất mặt tiền đường Bưng Ông Thoàn được đền bù 225.000 đồng/m2, đất nông nghiệp đền bù 150.000 đồng/m2

Ngọc Dương chụp chiều 5.8

Ngày 24.5.2004: Thủ tướng có văn bản số 572 cho phép UBND TP.HCM thu hồi 804 ha ở 5 phường: Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B ở Q.9 để sớm tổ chức giải tỏa, bồi thường thực hiện dự án.

Ngày 18.4.2007: Thủ tướng ban hành Quyết định 458 điều chỉnh diện tích Khu công nghệ cao lên 913 ha.

Để thu hồi 913 ha, dự án di dời 3.113 hộ dân. Ngoài ra có thêm 479 hộ dân trong 149 ha đất ngoài ranh để xây dựng khu tái định cư cho số dân bị thu hồi đất trong ranh.

Trong quá trình triển khai, dự án vấp phải khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan những nội dung: Tiến hành đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng không lập phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu hồi thêm hơn 334 ha ngoài diện tích đất được phê duyệt; thu hồi đất sai phường...

Không đồng ý với giá đền bù quá rẻ và cho rằng đất của mình không nằm trong dự án, nên ông Kiêm không nhận tiền và nhiều năm nay chấp nhận ở khu tạm cư, tổ 8, khu phố 3, P.Tăng Nhơn Phú B (Q.9) để đi khiếu nại đòi quyền lợi cho mình và gia đình

Ngọc Dương chụp chiều 5.8

Kết quả thanh tra, xác minh của Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong quá trình triển khai dự án Khu công nghệ cao để xảy ra thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến khiếu kiện: Thực hiện không đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, không ban hành các quyết định thu hồi đất, việc công khai bản đồ quy hoạch có sai sót…

Thanh tra Chính phủ cũng xác định ngoài đơn thư tố cáo kéo dài của 41 hộ dân; 253 hộ dân vẫn đang tranh chấp hoặc khiếu nại, tố cáo, phản ánh và chưa đồng ý nhận tiền bồi thường.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số sai phạm đối với công tác quản lý sử dụng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chiếm dụng vốn…

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho hay dự án Khu công nghệ cao là 1 trong 4 vụ việc nổi cộm ở TP.HCM cần giải quyết dứt điểm.

Quan tâm giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì tiếp 41 hộ dân (chia làm 3 nhóm) khiếu nại, tố cáo kéo dài để tìm hướng giải quyết.

Tại các buổi tiếp dân này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM sẽ vận dụng cơ chế linh loạt dựa trên quy định pháp luật, để giải quyết tối đa quyền lợi của người dân. Những vấn đề vượt qua thẩm quyền TP.HCM sẽ báo cáo Chính phủ.

“Thay mặt chính quyền thành phố, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm về sai sót của dự án và thời gian qua thành phố nghiêm túc thực hiện sửa chữa những sai sót mà trước đó Thanh tra Chính phủ chỉ ra”, ông Phong nói và cho hay lãnh đạo TP.HCM luôn quan tâm, giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Một căn nhà ở Khu công nghệ cao TP.HCM bị giải tỏa

Ngọc Dượng chụp chiều 5.8

Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị cần sớm giải quyết quyền lợi của các hộ dân nằm trong diện tích 41 ha khiếu kiện kéo dài.

Liên quan tố cáo sai phạm tái định cư..., ông Nguyễn Thành Phong cho hay UBND TP.HCM sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo yêu cầu của Thủ tưởng Chính phủ.

Bảng cấm lấn chiếm đất Khu công nghệ cao TP.HCM

Ngọc Dương chụp chiều 5.8

Mới có 5/41 hộ dân khiếu nại, tố cáo kéo dài đồng thuận

Trong buổi tiếp dân ngày 1.8, trước nhiều kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân, Thanh tra Chính phủ, cho biết những phản ánh của người dân không sai. Tuy nhiên, có những vấn đề mà người dân nêu lên rất khó giải quyết ở thời điểm hiện tại. Do đó, mới đây TP.HCM đưa ra phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư liên quan đến dự án để người dân xem xét và đi tới đồng thuận.

Liên quan phương án này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ yêu cầu Chủ tịch UBND Q.9 sớm công bố phương án hỗ trợ, bồi thường. Những hộ dân nào đồng ý sẽ được UBND Q.9 giải quyết trước ngày 30.11.2019. Còn những trường hợp chưa đồng thuận, thì các bên cùng nhau thảo luận, xem xét để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Theo báo cáo của UBND Q.9, hiện đã có 5 hộ dân đồng thuận. Với những vấn đề mà người dân nêu, nếu không thuộc thẩm quyền, TP.HCM sẽ tập hợp, báo cáo với Chính phủ và Thanh tra Chính phủ có hướng giải quyết.

Tại kỳ họp ngày 13.7, HĐND TP.HCM đã ra nghị quyết chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu công nghệ cao TP.HCM tại Q.9. Kinh phí này lấy từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM với tổng số vốn 1.471 tỉ đồng.

Theo UBND TP.HCM, việc bổ sung kinh phí phát sinh cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu công nghệ cao TP.HCM, là thực hiện Thông báo số 370 của Văn phòng Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan dự án quy mô này.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.