Hành trình trên đất Mỹ - Kỳ 1: Gian bếp nhỏ ở Omni Parker House

05/07/2005 23:28 GMT+7

Tiến tới kỷ niệm 10 năm Ngày bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ (12/7/1995-12/7/2005), nhân dịp tham gia cùng chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải vừa qua với tư cách là một nhà báo, PV Thanh Niên ghi nhận lại một số sự kiện thành loạt bài ký sự , xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Năm nay, khách sạn nổi tiếng mang tên The Omni Parker House kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, kể từ khi được xây dựng bởi ông chủ đầu tiên là Harvey Parker. Qua bao nhiêu thăng trầm, tòa nhà tọa lạc số 60 đường School, TP Boston (Hoa Kỳ) đã không còn  dáng vẻ như vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Song, trong gian bếp nhỏ dưới tầng hầm, người ta vẫn lưu giữ những kỷ vật và ký ức về một thanh niên đến từ nước Việt xa nửa vòng trái đất.

Omni Parker House giờ là một khách sạn 4 sao nằm dưới chân đồi Beacon với 551 phòng được thiết kế theo 50 kiểu dáng khác nhau, ấm áp với bức tường gỗ sồi sơn màu nâu sẫm và những tay nắm cửa ánh màu đồng. Người ta cũng có thể cảm nhận hơi thở của thời gian lắng đọng bên những chiếc đèn chùm cổ bằng pha lê, những chiếc bàn ăn bằng đá mài, nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ và chính trị gia nổi tiếng của nước Mỹ và của thế giới. Trong số đó, có Charles Dicken đến từ nước Anh, cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy, hoặc nhà thơ Ralph Waldo Emerson... Và lịch sử của Omni Parker


Một góc gian bếp ngày nay

House cũng ghi dấu về một niềm vinh dự của khách sạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống tại Boston, từng làm việc trong khách sạn như là một người đầu bếp chuyên làm bánh từ những năm tháng đầu tiên của giai đoạn Người đi tìm đường cứu nước.

Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi, Người ra nước ngoài ngày 3/6/1911, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động CM của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, "đến năm 1915, đã có những tài liệu xác nhận sự lưu trú của Bác Hồ tại TP Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ". Có thể vị trí của Omni Parker House thuận tiện là nơi đến của khách đường xa: nằm ngay vị trí của con đường mòn nổi tiếng mang tên Tự Do xưa kia; chỉ cách bốn tòa nhà, qua hai con đường là đến cảng Boston, bến đỗ của nhiều con tàu đủ các quốc tịch từ khắp nơi trên thế giới. Trong quyển sách nhỏ viết về khách sạn này xuất bản năm 2001, nữ nhà văn, nhà báo của tờ Boston Globe, bà Susan Wilson viết:  "Thật thú vị để lưu ý rằng, một nhà cách mạng trứ danh là lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng dành thời gian làm việc như là một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của Omni Parker House từ năm 1911 đến năm 1913. Vị đầu bếp đặc biệt đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này...".

Gian bếp dưới tầng hầm, nơi Bác từng làm việc là một căn phòng nhỏ độ trên dưới 20 mét vuông, trên trần chi chít những ống dẫn và xả khí đốt, ngột ngạt với bốn bức tường màu vàng nhạt bao quanh dãy kệ bánh và miệng lò nướng. Giữa phòng là một chiếc bàn dài bằng đá trắng xám, trông giống đá hoa cương, trên có đặt một cái khuôn ép bánh to cùng những chậu bột bánh cạnh những chiếc bánh được nhồi dang dở. Chiếc bàn đá bị vỡ mảnh bằng bàn tay ở  góc phải trong cùng, dấu vỡ hơn trăm năm đã không còn cạnh sắc nữa. Theo lời David W.Ritchie, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của khách sạn này, ngày xưa, Bác Hồ đã từng làm việc trên chiếc bàn đá này và người ta vẫn trân trọng lưu

Omni Parker House cũng là nơi từng làm việc của 2 danh nhân người Mỹ. Malcolm Little (Malcolm X), một nhà hoạt động chống nạn phân biệt chủng tộc nổi tiếng đã làm hầu bàn tại khách sạn trong những năm đầu của thập niên 1940-1950. Đến giữa thập niên 1980-1990, Denyce Graves, một sinh viên của trường nhạc New England từng là người trực điện thoại ca đêm tại đây. Ngày nay, bà vẫn là ngôi sao opera giọng nữ trung hàng đầu trên thế giới.
giữ, sử dụng chiếc bàn từ ngày ấy đến giờ. Cầm trên tay chiếc bánh vàng ươm của mẻ bánh vừa mới ra lò, mà David bảo rằng ấy là loại bánh mà Bác từng làm ra xưa kia, chợt ứa nước mắt khi hình dung cảnh một người đầu bếp xưa kia từng lao khổ vượt qua hàng ngàn dặm đến xứ lạ, giữa hơi nóng ngột ngạt, giữa không gian vàng vọt ánh đèn, đẫm trên vầng trán những giọt mồ hôi mà trong lòng luôn canh cánh nỗi niềm vận mệnh dân tộc mình...

Trên trang web www.hotel-online.com của Tổ chức Quốc gia những khách sạn được tín nhiệm trong lịch sử Hoa Kỳ có tin ngày 4/4/2005 về Omni Parker House do Mary Billingsley viết, có thêm chi tiết  rằng "Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm việc ở tiệm bánh của Omni Parker House lúc theo đuổi việc học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)". Lại hình dung cảnh người thợ bánh mang chí tiến thủ đạp tuyết giữa mùa đông lạnh giá ở Boston, ngày ngày đi về hàng mấy dặm đường đến Trường MIT gần bên bờ sông Charles mà nao lòng. Viện MIT được thành lập cùng thời với khách sạn này (1861) tại Cambridge, TP Boston, là một trường ĐH của tư nhân với uy tín và truyền thống đáng nể ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới: trong 60 năm từ 1944 đến 2004, đã có 59 thành viên của MIT được nhận giải thưởng Nobel gồm 24 giáo sư, 14 nhà nghiên cứu, 23 cựu sinh viên và 1 nhân viên. Trong đó có 26 giải thưởng về vật lý, 11 về hóa học, 12 về kinh tế, 8 về y tế - sinh lý học và 2 giải Nobel về hòa bình.

Trong dãy hành lang hẹp từ gian bếp đến chân cầu thang tầng hầm, tôi bảo với David rằng mình tiếc vì khó thể đem một cái bánh về Việt Nam làm kỷ niệm. David nói, đã bao nhiêu lần đưa những vị khách người Việt và cả người nước ngoài xuống thăm gian bếp ấy, anh cũng đều mang cảm xúc bồi hồi. Anh bảo: "Chúng tôi vẫn sẽ mãi trân trọng lưu giữ hiện trạng và hiện vật nơi này như duy trì một niềm tự hào của chúng tôi mà không một nơi nào khác trên nước Mỹ này có được". Ở đó, thời gian như đọng lại, và vầng sáng vẫn mãi ngời tỏa trong tâm thức bao người...

(Còn tiếp)
Nguyễn Quang Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.