Hiến kế phòng chống tham nhũng: Những gợi mở về kiểm soát quyền lực

23/07/2018 05:24 GMT+7

Để chống tham nhũng, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực bởi chỉ những người có quyền lực mới có thể tham nhũng.

Tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lĩnh vực này mang lại cho chúng ta những gợi mở quý báu.
Hiến kế phòng chống tham nhũng: Những gợi mở về kiểm soát quyền lực
PGS-TS Trần Thị Minh Tuyết Ảnh: Lê Hiệp
       
Ngay từ khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã canh cánh nỗi lo về sự tha hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi họ có quyền lực trong tay. Chẳng vậy mà khi cán bộ hỏi rằng, trong mấy loại giặc đang đe dọa nước ta thì Người sợ giặc nào nhất, Người bật ngay ra câu trả lời như đã có trong tiềm thức: “Sợ nhất các chú”. Người luôn nhắc nhở cán bộ rằng: Trong chế độ mới, nhân dân mới là chủ sở hữu quyền lực, còn quyền mà Đảng cầm và quyền mà nhà nước có chỉ là thừa ủy quyền của dân mà thôi. Vì thế, người được ủy thác quyền lực phải luôn ý thức rõ về cội nguồn cái quyền mà mình có trong tay để tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân và khi không được dân tín nhiệm nữa hoặc khi cảm thấy mình không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ dân giao phó thì phải vui vẻ từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, không phải cán bộ nào cũng có được suy nghĩ đúng đắn đó nên khi có quyền thì họ đã biến quyền dân trao thành quyền lực cá nhân. Là một người luôn gắn “đức trị với pháp trị”, bên cạnh sự tuyên truyền, giáo dục để cán bộ giữ vững đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng việc thực thi quyền lực của cán bộ vẫn phải được giám sát, kiểm soát từ nhiều phía. Với sự tinh tường của một chính trị gia kiệt xuất, Người đã đề ra một số biện pháp sau đây:
Dân kiểm soát để “cán bộ phải liêm”
Thứ nhất, phải nâng cao dân trí và tạo cơ chế để nhân dân kiểm soát quyền lực. Thực tế cho thấy “Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra liêm”. Dân trí không đơn thuần là kiến thức, là học vấn mà còn là trình độ giác ngộ dân quyền. Hồ Chí Minh nhắc nhở nhân dân khéo dùng quyền kiểm soát của mình bằng nhiều cách thức như lựa chọn những người xứng đáng ra gánh việc nước, phê bình, góp ý, tố cáo, khiếu nại cán bộ và bãi miễn đại biểu mà mình đã bầu ra nếu họ tỏ ra không xứng đáng. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò phản biện xã hội của các cơ quan đại diện cho nhân dân hiện là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực.
Thứ hai, phải nâng cao vai trò răn đe của luật pháp. Hồ Chí Minh từng nói: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Sinh thời, Hồ Chí Minh chưa dùng từ tham nhũng mà Người gọi là “tham ô, nhũng lạm”. Đặt tội tham ô ngang hàng tội phản quốc nên trong Quốc lệnh (do Hồ Chí Minh ký vào ngày 26.1.1946), tội đó phải bị tử hình.
Cho dù cuộc chiến chống tham nhũng đang ở giai đoạn quyết liệt nhưng vẫn cần quyết liệt hơn nữa theo nguyên tắc “không có vùng cấm, vùng nể, vùng tránh, vùng hạ cánh an toàn”.
Tăng cường vai trò của báo chí
Thứ ba, phải tăng cường công tác kỷ luật Đảng và phát huy vai trò của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng như Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ thanh tra phải như cái gương cho người ta soi mặt. Gương mờ thì không soi được”. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra đủ tâm, đủ đức, đủ tài, đủ tầm là yếu tố quyết định sự thành công của công tác quan trọng này. Trong các cơ quan công quyền, việc thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm, việc sàng lọc cán bộ theo nguyên tắc “có vào - có ra, có lên - có xuống” sẽ làm cho mỗi cán bộ, công chức không thể “ngủ yên” trên “cái ghế quyền lực” của mình mà phải luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.
Thứ tư, phải tăng cường vai trò của báo chí trong việc kiểm soát quyền lực. Hồ Chí Minh yêu cầu, trong cuộc chiến chống giặc nội xâm, nhà báo - người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng phải “làm cho mọi người nhận rõ: quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác”.
Kế thừa tinh thần đó, ngày nay, báo chí với sức mạnh của truyền thống phải góp phần phanh phui các vụ việc tiêu cực, tạo áp lực dư luận đối với những kẻ làm điều sai trái và cả các cơ quan điều tra, xét xử để các vụ việc tham nhũng được xử lý nhanh chóng, triệt để. Các nhà báo có trách nhiệm “phò chính, trừ tà” và góp phần làm cho “cái lò” chống tham nhũng rừng rực cháy.
Mạnh tay tinh giản bộ máy hành chính
Thứ năm, phải tích cực tinh giản bộ máy hành chính. Theo Hồ Chí Minh, nhà nước là công cụ để phục vụ dân chứ không phải là gánh nặng cho dân. Hơn nữa, số lượng công chức càng đông thì số người có cơ hội lạm quyền càng tăng, số người phải giám sát càng nhiều.
Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải nhanh chóng xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng công khai, minh bạch để tinh gọn bộ máy hành chính và giảm thiểu sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức.
Khi đề ra chủ trương “nhốt quyền lực trong cái “lồng” cơ chế”, Đảng hướng tới mục tiêu hoàn thiện thể chế để buộc cán bộ không thể làm trái. Hội nghị T.Ư 4 khóa XII yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”. Nhiệm vụ thì đã rõ, nhưng đây vẫn là công việc vô cùng khó khăn vì nó sẽ đụng chạm đến những người có chức, có quyền, có tiền, có cả sự “liên minh” lực lượng. Để thành công trong việc kiểm soát quyền lực của các thế lực đó, toàn hệ thống chính trị phải chung đúc một ý chí mạnh mẽ nhưng quyết tâm, mưu lược và sự gương mẫu của người đứng đầu vẫn là nhân tố quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.