Đó là đề xuất của ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), tại hội nghị tổng kết công tác dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai năm 2018 và triển khai công tác năm 2019.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa lũ năm nay ở các tỉnh phía Bắc sẽ đến sớm và có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất. Trong đó, khu vực vùng núi các tỉnh Tây Bắc bộ được dự báo tập trung xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, lũ quét.
Thông tin từ Viện Địa chất khoáng sản cho hay, đơn vị này đang thực hiện điều tra cơ bản và đánh giá nguy cơ sạt lở đất tại 37 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngay trong năm nay, các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hoà Bình sẽ được Viện Địa chất khoáng sản chuyển giao sản phẩm cảnh báo nguy cơ khu vực có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất giúp địa phương chủ động ứng phó.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất sau mưa lớn hiện còn quá rộng, chưa có sự khu trú tập trung, sẽ khó cảnh báo đến người dân địa phương phòng tránh.
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho rằng mạng lưới đo mưa vẫn còn thưa đang là khó khăn, trở ngại lớn trong việc đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Khó khăn này không thể giải quyết một sớm một chiều khi nguồn lực đầu tư trạm đo mưa chưa nhiều.
Cũng theo ông Thái, công tác dự báo, cảnh báo lũ quét hiện nay cần phải có sự đổi mới. Các cơ quan ngồi ở T.Ư mà dự báo lũ quét, sạt lở đất ở địa phương thì gần như là vô vọng, không khả thi.
Trên thực thế, nhiều vụ sạt lở đất do người dân phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ cảnh báo chính quyền sơ tán dân kịp thời, không để xảy ra thiệt hại về người. Các biệt, có những vụ sạt lở đất khiến 80 nhà sân bị sạt lở, hư hỏng mà không một ai thương vong.
“Ngành khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai phải kết hợp để hỗ trợ tập huấn cho cán bộ, người dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để nhận dạng các dấu hiệu nguy hiểm, từ đó phát tin cảnh báo tức thời”, ông Thái nhấn mạnh.
Ông Thái cũng đặt mục tiêu cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, khảo sát điều tra về lũ quét và sạt lở đất trong 2 năm tới phải hoàn thành chuyển giao các sản phẩm về các địa phương để ứng phó với loại hình thiên tai nguy hiểm này.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, thiệt hại về người và tài sản do lũ quét, sạt lở đất luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại hình thiên tai xảy ra trong những năm gần đây. Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai ghi nhận xảy ra 14 trận lũ quét và sạt lở đất tại 13 tỉnh, đã khiến 5.495 hộ dân có nhà cửa bị mất mát, hư hỏng.
|
Bình luận (0)