Hoàng Sa xa mà gần: Nấm mộ tiền nhân ở Hoàng Sa

21/01/2021 05:00 GMT+7

Nói về hai ngôi mộ trên lao Ông Già ở Hoàng Sa, các ngư dân Châu Thuận Biển không rõ an táng từ bao giờ, ngư dân, binh phu hay người lính...

Ngư dân Quảng Ngãi kể lại, những phiên biển ngày trước hầu như tàu cá nào cũng ghé “lao” (một hòn đảo nhỏ) mang tên Ông Già ở quần đảo Hoàng Sa để lấy củi và hái trái nhàu. Đảo hoang sơ này còn có hai ngôi mộ của người Việt.
Ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn thường lên lao Ông Già, trong đó lên nhiều lần nhất là ngư dân Mai Phụng Lưu. Ông Lưu đã mang cát và một cây phong ba từ đảo này về nhà để làm kỷ niệm.
Hoàng Sa xa mà gần: Nấm mộ tiền nhân ở Hoàng Sa

Ngư dân Mai Phụng Lưu lấy cát vàng từ Hoàng Sa năm 2011

ẢNH: NGƯ DÂN CUNG CẤP

Bao cát và cây phong ba

Việc ngư dân Mai Phụng Lưu mang cây phong ba từ lao Ông Già về nhà ở đảo Lý Sơn, tôi có biết và chứng kiến. Ấy là đầu mùa hè năm 2011, sau lần ông Lưu bị Trung Quốc (TQ) bắt giữ trái phép rồi phải thả về nhưng ngư dân này mất phương tiện làm ăn, đành ở nhà. Khi đó, tôi cùng một số nhà báo từ TP.HCM ra đảo Lý Sơn, thông qua một ngân hàng hỗ trợ vốn cho ông Lưu đóng tàu mới ra biển. Ngày ông Lưu làm lễ xuất bến, có mời tôi cùng một vài đồng nghiệp ra chứng kiến.

Nhìn hai ngôi mộ hiu quạnh nơi đảo xa, thương lắm nhưng cũng vô cùng cảm phục. Tiền nhân đã ra đến đây, sống chết ở đây, khẳng định chủ quyền biển đảo

Ngư dân Nguyễn Tuấn (xóm Gành Cả, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Chuyến ra khơi ấy trở về, ông Lưu gọi cho tôi biết có mang về một bao cát Hoàng Sa cùng một lô ảnh ông chụp một số cảnh vật ở Hoàng Sa. Số cát này, ông bảo do chính tay hai cha con ông lấy tại đảo Bạch Quy. Sau đó, tôi xin một ít cát vàng Hoàng Sa gửi vào TP.HCM cho một số đồng nghiệp. Đặc biệt, cũng hôm ấy, tôi nghe ông Lưu kể về cây phong ba được ông để một cách trân trọng ở giữa phòng khách.
Ông Lưu nói khoảng năm 1984, khi còn là thanh niên chưa vợ, ông ăn tết ở Hoàng Sa, có chèo thuyền thúng lên lao Ông Già chơi và nghỉ đêm. Ngày đó, ông đã đến thăm hai ngôi mộ được cho là của người Việt an táng tại đây, không biết vào thời kỳ nào, nghe chừng đã cách mấy trăm năm. Đứng trước mộ tiền nhân, ông thắp hương khấn vái và thấy có nhiều cây phong ba mọc cạnh hai ngôi mộ.
Hơn mười năm sau, khi trở lại thăm lao Ông Già, bùi ngùi đứng trước hai ngôi mộ tiền nhân, nghe như cả quá khứ hào hùng chinh phục Biển Đông của ông cha vọng về, ông Lưu lại thắp hương khấn vái rồi bứng một cây phong ba mang về nhà ở Lý Sơn. Để bảo quản, ông phun sơn lên cây, trưng giữa phòng khách. Mùa xuân về, ông gắn lên cây một số hoa mai giấy cho thêm phần rực rỡ. Cây phong ba ấy, ông nói là làm kỷ niệm đời đi biển, mang chút hồn của tiền nhân ở Hoàng Sa về đất mẹ Lý Sơn.
Rất lâu rồi chưa gặp lại ông Lưu, nhưng chuyện 10 năm trước với tôi vẫn chưa nguôi ngoai về những câu người dân đất đảo này bám biển Hoàng Sa, hết cha đến con cùng nhau ra đảo, với những nụ cười can trường, tỏa nắng.

Ngư dân lặn Hoàng Sa, phơi mực giữa biển

ẢNH: LÊ CHƯƠNG

Vào lao Ông Già bái mộ tiền nhân

Về thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) hỏi về lao Ông Già, hầu như ngư dân nào cũng biết và không ít người từng lên đây. Nói về hai ngôi mộ trên lao Ông Già, các ngư dân Châu Thuận Biển không rõ an táng từ bao giờ, ngư dân, binh phu hay người lính. Nhớ một dịp gần đến ngày làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của đảo Lý Sơn, tôi được trò chuyện với ông Nguyễn Cậu, nguyên Trưởng ban khánh tiết lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ông cho biết mộ người Việt nếu có trên các đảo, cồn cát thuộc quần Hoàng Sa không có gì lạ. Các đời vua Nguyễn đều cử binh phu Lý Sơn ra Hoàng Sa. Vua Minh Mạng chú trọng hơn việc biển đảo nên cho binh phu vãng thám, kiểm tra, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để lưu dấu ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết.

Mong muốn một lần lên lao Ông Già

Sáng chớm lạnh, ngư dân Tiêu Viết Là cùng vợ là Nguyễn Thị Bưởi (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) ngồi ở nhà, vừa pha bình nước vối ấm vừa nhìn ra phía biển.
Những ngày này, trời nổi gió bất thường, biển động liên tục, phiên biển cuối năm (âm lịch) tàu cá khó ra khơi. Gió se sắt, nắng hiếm hoi, không đủ ấm lòng người. Hơn 10 năm không đi biển vì thân tàn ma dại do bị TQ bắt tàu 3 lần, rồi bị giam, bị đánh, nên dù kinh nghiệm Hoàng Sa đầy mình, ngư dân Tiêu Viết Là vẫn mong muốn: “Dù rày đây mai đó trên đầu sóng nhưng tiếc nhất là vẫn chưa lên lao Ông Già, mang ít cát về cắm hương”.
Giữa trùng khơi bão bùng, thuyền chánh đội binh phu và 4 thuyền binh phu mỗi khi đi ra Hoàng Sa, binh phu tử nạn miền viễn hải, nếu là trên biển thì bó vào chiếu, thêm 7 nẹp cây bó xác lại rồi thả cho binh phu về lòng biển mẹ; còn nếu gần đảo thì được chôn cất tử tế nên hiển nhiên sẽ có một vài ngôi mộ ở đây. Sau này, các thời thuộc Pháp hay chế độ Sài Gòn, binh lính cũng ra giữ đảo Hoàng Sa, nếu bị tử nạn mà không kịp đưa về đất liền sẽ được chôn cất trên đảo.
Ngư dân Đặng Dũng (ở thôn Châu Thuận Biển) cho biết từ năm 2002 về trước, tàu cá ra Hoàng Sa thường là tàu nhỏ, không có bình gas như bây giờ, nên thường ghé lao Ông Già lấy củi nấu ăn. Sau đó, tạm nghỉ ở đảo này một thời gian rồi tiến ra phía ngoài, xung quanh các hòn đảo gần đảo Phú Lâm để đánh cá, lặn bắt hải sâm. Hồi đó, khi còn thanh niên trai tráng, ông Dũng thường lên lao lấy củi và đến thắp hương 2 ngôi mộ. Theo ông Dũng, trên lao Ông Già mọc rất nhiều cây nhàu, ngư dân lên đây thường hái trái nhàu mang về ngâm rượu uống cho đỡ đau lưng. “Ngư dân bọn tôi thích cây nhàu trên lao Ông Già, bởi ngâm rượu trái nhàu ở đây hiệu quả lắm”, ông Dũng nói.
Ngư dân Nguyễn Tuấn (ở xóm Gành Cả, xã Bình Châu) thì kể: Lao Ông Già cỡ chừng như đảo Bé của huyện đảo Lý Sơn (diện tích đảo Bé gần 1 km2). Trên đảo này không có cây lớn, chỉ toàn cây bụi cao hơn đầu người. Mùa hè, vích từ biển vào đây đẻ rất nhiều, rồi bạt ngàn chim hải âu. Đến mùa, lũ chim cũng về đây làm tổ đẻ. “Dù không có quy định, nhưng hễ ghé vào lao Ông Già là ngư dân tụi tui phải mang hương đến viếng hai ngôi mộ. Nhìn hai ngôi mộ hiu quạnh nơi đảo xa, thương lắm nhưng cũng vô cùng cảm phục. Tiền nhân đã ra đến đây, sống chết ở đây, khẳng định chủ quyền biển đảo”, ông Tuấn nói.
Trong lần trò chuyện gần đây với tôi, ngư dân Bùi Văn Tẩn (cũng ở xóm Gành Cả) cho biết khoảng chục năm trở lại đây, ngư dân muốn vào lao Ông Già để thắp hương cho tiền nhân rất khó, vì bị lính TQ ngăn cản trái phép, đành từ xa bái vọng. Tuy vậy, hằng ngày có hàng chục, hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân Lý Sơn, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng vượt qua lao Ông Già tiến xa ra phía bắc quần đảo Hoàng Sa để mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Tẩn, cho rằng việc nối giữa khơi xa Hoàng Sa và đất liền giờ gần lắm. Ngày trước, cứ chiều đến là hàng trăm bà vợ ngư dân tập trung bên máy Icom cộng đồng ở xóm Gành Cả nghe các ông chồng từ Hoàng Sa “báo cáo thành tích” về nhà, nhưng mỗi bà vợ nói được vài phút là nhường cho người khác.
“Nhiều chuyện riêng tư của gia đình rất khó nói qua Icom. Bây giờ có thiết bị hành trình rồi, tàu cá các ông đi đâu, dừng hay chạy, bọn tôi nhìn qua điện thoại là biết. Như vợ chồng tôi thì cuối ngày hay gọi nhau nói chuyện, dù tốn thêm chi phí nhưng cảm thấy an lòng người đảo người bờ. Hoàng Sa dù ngàn trùng sóng, nhưng nay đã gần rồi”, bà Liên cho biết.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.