Hoàng Sa xa mà gần: Những “cột mốc sống” giữa trùng khơi

17/01/2021 06:55 GMT+7

Gần đây, ngư dân Quảng Nam liên tục “tố” tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng tàu, cướp hải sản, cắt phá lưới ngư cụ và cả những lệnh cấm đánh bắt vô căn cứ.

Gần đây, ngư dân Quảng Nam liên tục “tố” tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng tàu, cướp hải sản, cắt phá lưới ngư cụ và cả những lệnh cấm đánh bắt vô căn cứ. Họ cũng không hề tỏ ra nao núng, trái lại ai nấy đều quyết tâm bám ngư trường truyền thống...

Sự kiện tàu cá QNa 91441 TS do ông Trần Văn Nhân (44 tuổi, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng bị xua đuổi và cướp đi 2 tấn mực vào những ngày đầu tháng 6.2019 đã lan truyền nhanh. Ngay sau đó, Hội Nghề cá VN đề nghị các cơ quan chức năng của VN phản đối kịch liệt với phía Trung Quốc (TQ) để chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công tàu cá của ngư dân VN tại vùng biển thuộc chủ quyền VN.

Tàu cá QNa 90398 TS của ông Huỳnh Tèo bị tàu TQ đâm va gây hư hỏng vào năm 2018

Không chùn bước

Trở lại cảng cá Tam Quang (H.Núi Thành) những ngày đầu năm 2021, không khí ở đây trở nên nhộn nhịp khi liên tiếp nhiều tàu cá tấp nập ra vào. Chữ “duyên” có lẽ đúng với chúng tôi trong thời điểm này, bởi cách đây 3 năm, chúng tôi gặp thuyền trưởng Trần Văn Nhân trong một bối cảnh khá “đặc biệt”. Nói là đặc biệt bởi thời điểm nhận tin báo tàu ông bị tàu TQ xua đuổi, đâm va và cướp đi 2 tấn mực trước đó, chúng tôi đã gặp gỡ ông để kịp đưa thông tin đến bạn đọc. Nay, gặp ông khi tàu vừa trở về sau chuyến dài lênh đênh ngoài khơi ở vùng biển Hoàng Sa với khoang tàu đầy cá. “Chuyến biển này, tàu đi hơn 1 tháng nhưng đánh bắt khá thuận lợi. Không bị tàu TQ gây khó dễ nên sản lượng thu về cao”, thuyền trưởng Nhân mở đầu câu chuyện.
 
Chúng tôi sẽ quyết bám biển tới cùng,
vì tàu nước ngoài tấn công chúng tôi trên vùng biển lãnh thổ của VN mới là những kẻ xâm phạm bất hợp pháp
Ngư dân Phạm Văn Kiên
Nhắc về sự việc xảy ra vào ngày 2.6.2019, thuyền trưởng Nhân vẫn nhớ như in. Thời điểm đó, ông cùng 10 ngư dân đang thả trôi tàu để ngủ trưa tại vĩ tuyến 15,42 độ vĩ bắc - 111,34 độ kinh đông, cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 22 hải lý thì bị tàu công vụ TQ áp sát, ép tất cả ngư dân dồn về trước mũi tàu. Ngay sau đó, 6 người bước lên tàu, trong đó có 1 người nói được tiếng Việt. Họ yêu cầu không được đánh bắt tại vùng biển này, buộc mở khoang tàu rồi lấy đi hơn 2 tấn mực khô…
Nhưng trở ngại đó không làm những ngư dân chùn bước. “Chuyến này, bán cá xong, nghỉ vài ngày anh em chúng tôi lại nhắm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Chuyến biển này sẽ ăn tết cổ truyền ngay trên vùng biển chủ quyền. Vẫn biết, ra đó sẽ gặp tàu TQ, và sẽ bị cản trở, nhưng không ra đó, vô hình trung ngư dân mình tự “dâng” ngư trường truyền thống ấy cho họ. Do vậy, bằng mọi giá phải bám biển Hoàng Sa”, thuyền trưởng Nhân quả quyết.
Không chỉ bị cướp hết hải sản đánh bắt được, nhiều tàu cá Quảng Nam còn tố cáo việc bị đâm va, gây hư hỏng… Còn nhớ, sáng 15.10.2018, tàu cá QNa 90398 TS do ngư dân Huỳnh Tèo (45 tuổi, ở xã Tam Quang) làm chủ đang thả lưới đánh bắt tại vị trí 18,32 độ vĩ bắc, 113,21 độ kinh đông (thuộc vùng biển Hoàng Sa).
Đến 13 giờ 30 cùng ngày, khi các ngư dân đang ngủ trưa, ngư dân Võ Tấn Ích thức dậy phát hiện một tàu lớn đang tới gần. Chỉ ít phút sau, tàu này bất ngờ đâm mạnh vào đuôi tàu của ông Tèo rồi đẩy tàu chạy khoảng 1 km. Sau cú đâm mạnh, tàu bắt đầu rung lắc dữ dội, 12 người còn lại đang ngủ bật dậy. Cú bị đâm va mạnh khiến tàu hư hỏng nặng ở phần sau lái và cabin.

Ngư dân Quảng Nam bán cá sau chuyến biển đầu năm 2021

“Không có ý định bỏ nghề”

Ngư dân Phạm Văn Kiên (57 tuổi, ở xã Tam Quang) có hơn 30 năm bám biển. Vị mặn chát của biển chảy trong từng thớ thịt cuồn cuộn gân của ông. Ông bảo, với ngư dân Quảng Nam, việc tàu TQ ăn hiếp, họ đã quá quen thuộc, cứ như “cơm bữa”. Nhưng ngư trường đó không chỉ là lãnh thổ thiêng liêng từ bao đời nay của VN mà còn là một phần máu thịt của cha ông. Vì vậy, các ngư dân đều quyết tâm bám biển bằng mọi giá, cho dù TQ có gây khó dễ đến mấy.

Khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho hay toàn tỉnh hiện có 750 tàu thuyền (trong đó có 36 tàu vỏ thép) đánh bắt xa bờ, khoảng gần 10.000 lao động vẫn đang hiện diện ở 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Trước đó, phía TQ liên tiếp đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông đã vấp sự phản đối và không có giá trị đối với ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân VN nói chung.
“Những năm qua, TQ luôn tìm cách gây khó dễ, cản trở ngư dân VN khai thác hải sản. Để đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi, các cơ quan ban ngành của tỉnh luôn động viên, khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (5 - 10 tàu), để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi bị “tàu lạ” tấn công”, ông Tấn chia sẻ.
“Các chuyến đi biển giờ không yên ả nữa. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi có ý định bỏ nghề. Ra Hoàng Sa, Trường Sa, thấy tự hào và thiêng liêng lắm!”, ông chia sẻ.
Kiên quyết bám biển, song ngư dân Kiên cũng như các đồng nghiệp khác đều chung nỗi lo ngại tàu công suất nhỏ của mình bị chèn ép bởi các tàu nước ngoài xâm nhập ngư trường bất hợp pháp. Nhưng sau các chuyến biển đầy “giông tố” khi bị tàu TQ liên tục chèn ép, họ có tiếp tục bám biển nữa? Ngư dân Kiên liền đáp: “Chúng tôi sẽ quyết bám biển tới cùng, vì tàu nước ngoài tấn công chúng tôi trên vùng biển lãnh thổ của VN mới là những kẻ xâm phạm bất hợp pháp”.
Nhiều lần tưởng chừng như phải bỏ mạng trên biển, ngay trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và có người mất luôn con tàu vốn dĩ là tài sản quý giá mà gia đình tích cóp nhiều đời mới có được, nhưng họ vẫn quyết tâm gầy dựng lại từ đầu... Bởi với họ đảo là nhà, biển là quê hương, là Tổ quốc, là cuộc sống! Ý chí quyết tâm bám biển của ngư dân vẫn rất vững vàng. Nhất là trong thời điểm hiện tại, trọng trách trên vai họ không đơn thuần chỉ là làm kinh tế nữa, mà đó còn là góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước. Mỗi ngư dân giờ đây như một cột mốc sống giữa trùng khơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.