Hơn 1,1 triệu quan chức kê khai tài sản, chỉ 6 người sai phạm

05/09/2018 17:38 GMT+7

Trong số hơn 1,1 triệu đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập năm 2018, cơ quan chức năng chỉ tiến hành xác minh 44 người, trong đó phát hiện 6 người vi phạm.

Chiều 5.9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.
Theo báo cáo của Chính phủ do ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, trình bày tại phiên họp, năm 2018, đã có gần 1,137 triệu người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban, trình bày, số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng năm 2018 chỉ xác minh đối với 44 người trong tổng số hơn 1,1 triệu người đã kê khai. Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm (giảm 56,4% so với năm 2017).
Đáng nói, kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường họp so với năm 2017.
Theo nhóm nghiên cứu, phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không bị kỷ luật.
Cụ thể, tại tỉnh Bạc Liêu có 19 trường họp không kê khai tài sản, thu nhập, trong đó chỉ ở 1 đơn vị cấp huyện đã có đến 17 trường hợp không kê khai nhưng không có lý do.
Từ đó, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá việc tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn nhiều yếu kém. Nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng không bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, pháp luật hiện hành còn thiếu các biện pháp bảo đảm hiệu quả việc kê khai, nhất là các biện pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
Đáng nói, chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được.
Trình bày ý kiến tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, đặt vấn đề, mặc dù chỉ xác minh 44 trường hợp trong hơn 1,1 triệu người phải kê khai tài sản nhưng đã phát hiện 6 trường hợp sai phạm, chiếm tỷ lệ 13,6%. "Vậy, với hơn 1,1 triệu người kê khai chưa xác minh thì tỷ lệ vi phạm sẽ lớn như thế nào?", bà Thủy đặt vấn đề.
Kê khai mà không xác minh thì vô nghĩa
Ông Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, cho rằng lẩn khuất đằng sau các bản kê khai tài sản có rất nhiều vấn đề mà công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cần quan tâm. "Nếu cứ 10 vụ xác minh mà có 4 vụ sai phạm thì sẽ có bao nhiêu sai phạm trên tổng số hơn 1,1 triệu bản kê khai?", ông Sơn đặt vấn đề và cho rằng, việc xác minh nội dung kê khai tài sản, thu nhập phải chủ động hơn.
"Tại sao chúng ta không đặt vấn đề khi có biểu hiện không bình thường về tài sản thì chúng ta chủ động xác minh thay vì chờ như 3 trường hợp luật quy định", ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, cho rằng công tác xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập cần phải coi như việc làm tự nhiên và cần phải phân loại, phân cấp.
"Chẳng hạn, giám đốc sở phải là người xác minh cán bộ, thuộc cấp của mình còn bản thân giám đốc sở thì sẽ do ủy ban nhân dân xác minh... Như thế, việc xác minh sẽ là một quy trình tự động và chỉ coi đây như là một việc bình thường", ông Nghĩa nêu, và cho rằng nếu kê khai mà không xác minh thì vô nghĩa, còn nếu để thanh tra làm hết thì rất vất vả, không có lực lượng để làm.
Giải thích thêm về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, 44 trường hợp trong tổng số hơn 1,1 triệu người phải kê khai tài sản tiến hành xác minh là các trường hợp có đủ căn cứ theo quy định của luật hiện hành. Trong số đó, phát hiện 6 trường hợp sai phạm.
Tuy nhiên, ông Khái cho rằng, không nên đánh đồng tỷ lệ này cho toàn thể hơn 1,1 triệu người phải kê khai tài sản trong cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.