Sáng nay (24.7), tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, đại tá Lê Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, cho biết lực lượng biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phối hợp với các địa phương, các gia đình chủ tàu thông báo diễn biến của cơn bão số 4 cho 61.774 phương tiện, với 249.329 lao động biết để chủ động ứng phó.
Đáng lưu ý, trong vùng biển nguy hiểm của bão số 4 hiện có 415 tàu, với 3.319 lao động đang hoạt động. Những tàu này đang trên đường thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; lực lượng biên phòng giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện để nắm tình hình.
Ngoài ra, ở khu vực ven biển từ các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình, lực lượng biên phòng đang duy trì các điểm bắn pháo hiệu cảnh báo bão đến các ngư dân.
Dẫn chứng vụ tàu vận tải VTB 26 bị chìm ở nơi tránh bão, đại tá Sơn cho rằng công tác ứng phó bão hiện nay chỉ tập trung cho tàu nhỏ, tàu cá của ngư dân. Trong khi đó, nhiều tàu cỡ lớn, trang bị hiện đại vẫn có nguy cơ mất an toàn trong bão. Từ nhận định này, đại tá Sơn đề xuất Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) cần có biện pháp cảnh báo và đảm bảo an toàn cho các tàu lớn.
tin liên quan
Chìm tàu chở than, 13 thuyền viên mất tích ngoài khơi Cửa LòCơ quan tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đang huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm 13 thuyền viên trên tàu chở than bị chìm do bão số 2.
Cũng theo đại tá Sơn, bão số 4 dự báo càng vào gần bờ càng có tốc độ di chuyển nhanh nên cần áp dụng lệnh cấm biển tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ chiều 17 giờ chiều nay (24.7) để đề phòng tình huống bão có thể đổ bộ sớm hơn dự báo.
Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới của bão số 4 được xác định từ vĩ tuyến 16,5 độ vĩ bắc đến 20,5 độ kinh đông và phía tây kinh tuyến 113.
Không chủ quan trong ứng phó với mưa lũ
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh bão số 4 có địa bàn đổ bộ trùng với cơn bão số 2, khi người dân ở đây đang tích cực khắc phục hậu quả của bão số 2, với thiệt hại rất lớn, điển hình như ở Quảng Bình, nhiều tàu thuyền bị chìm, vỡ do va đập ngay ở nơi tránh trú; ở Nghệ An thì tàu vận tải bị chìm gây thiệt hại lớn về người...
Cho rằng đây là những thiệt hại không đáng có, hoàn toàn có thể khắc phục được trong giai đoạn chuẩn bị ứng phó, ông Thắng yêu cầu trong công tác ứng phó cơn bão số 4 phải rút kinh nghiệm so với cơn bão số 2 vừa qua, chuẩn bị tốt nơi neo đậu cho tàu, thuyền tránh bão và phải làm quyết liệt để không xảy ra những thiệt hại không đáng có về người, tài sản.
Đối với các tỉnh dự báo có mưa lớn, cần đặc biệt quan tâm đến khu vực miền núi, không chủ quan trong ứng phó mưa lũ. Chính quyền địa phương phải cử người cảnh giới, kiên quyết không cho người dân đi qua các ngầm tràn, sông, suối khi có mưa lớn vì có thể lũ quét bất ngờ xảy ra.
Bình luận (0)