Ngày 3.8, Sở Y tế cho biết, để đảm bảo người bệnh Covid-19 cách ly tại nhà được hỗ trợ y tế khi có các triệu chứng chuyển nặng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch yêu cầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe những người nhiễm mới được cách ly tại nhà hướng đến mục tiêu phát hiện những dấu hiệu chuyển nặng và can thiệp điều trị kịp thời.
Qua đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chỉ đạo trạm y tế quản lý danh sách và theo dõi tình trạng sức khỏe hằng ngày của người nhiễm Covid-19 đang cách ly tại nhà qua tài khoản quản trị của phần mềm "Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19" và phần mềm “Khai báo điện tử” đã được Sở Y tế cấp cho các trạm y tế để can thiệp điều trị kịp thời.
Đồng thời, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thành lập tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã với thành phần bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện, công an, Đoàn thanh niên... Trong đó, nhân viên y tế của trạm y tế chịu trách nhiệm chính trong công tác sơ cấp cứu cho người dân trên địa bàn.
Khi nhận cuộc gọi của người dân trên địa bàn, tổ phản ứng nhanh phải đánh giá ngay mức nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi (khó thở, tím tái, lơ mơ...) để quyết định đưa xe vận chuyển đến tận nhà người dân.
Tổ phản ứng nhanh sử dụng xe vận chuyển người bệnh phải đảm bảo trên xe có bình ô xy, dụng cụ thở ô xy (mask, canula...), máy đo máu SpO2. Trong trường hợp xe đã được huy động cho trường hợp cấp cứu khác thì gọi 115 để được hỗ trợ.
Đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh qua chỉ số SpO2
Nếu người bệnh có SpO2 (chỉ số nồng độ ô xy trong máu) trên 97%, không có dấu hiệu bất thường hướng dẫn người bệnh theo dõi sức khỏe tại nhà.
Nếu người bệnh có SpO2 từ 95 - 96% kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau ngực... thì cho người bệnh thở ô xy qua mũi, vận chuyển người bệnh đến cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn để được theo dõi và điều trị.
Nếu người bệnh có SpO2 dưới 94% kèm các triệu chứng nặng như thở gắng sức... thì cho người bệnh thở ô xy qua mask, vận chuyển người bệnh đến khu vực cấp cứu của cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn hoặc bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện (nếu có) để được theo dõi và điều trị.
Nếu người bệnh trong tình trạng nguy kịch (tím tái, hôn mê, ngừng thở...): cho người bệnh thở ô xy qua mask hoặc hồi sinh tim phổi cơ bản và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất, đồng thời gọi tổ điều phối chuyển viện người bệnh Covid-19 nặng thuộc Sở Y tế để hỗ trợ khẩn cấp qua đường dây nóng (0989.401.155) giúp chuyển người bệnh đến tầng điều trị phù hợp.
Các đơn vị phải có trách nhiệm triển khai thực hiện
Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố phải đảm bảo việc tiếp nhận cuộc gọi của tổng đài cấp cứu 115 không bị gián đoạn, nhanh chóng huy động phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp (xe taxi cấp cứu, xe cứu thương) để sẵn sàng hỗ trợ Tổ phản ứng nhanh khi được yêu cầu và chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị phù hợp.
Các cơ sở khám bệnh khi phát hiện người nhiễm mới phải có trách nhiệm hướng dẫn người nhiễm tuân thủ các quy định khi cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện). Đồng thời, hướng dẫn người cách ly liên hệ với y tế địa phương khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bất thường, nhập thông tin người nhiễm vào phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19".
Bình luận (0)