Ít nhất 40% đại biểu Quốc hội sẽ chuyên trách

19/06/2020 16:17 GMT+7

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua chiều nay, với nội dung đáng chú ý là nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ ít nhất 35% theo quy định hiện hành, lên ít nhất 40%.

Chiều nay, 19.6, Quốc hội đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội, với đa số đại biểu tán thành.
Một trong những điểm đáng chú ý của luật là quy định nâng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách từ ít nhất 35% lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đổi tên 2 ủy ban: Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; và Ủy ban về các vấn đề xã hội thành Ủy ban xã hội.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021, tuy nhiên, những thay đổi nói trên được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, việc tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40%, đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ.
Theo ông Tùng, đây là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
“Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan, cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở từng địa phương”, ông Tùng cho hay.

Chưa nâng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội

Cũng theo ông Tùng, khi thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quy định tiêu chuẩn cụ thể cao hơn đối với đại biểu Quốc hội, đồng thời không quy định tiêu chuẩn về độ tuổi đối với đại biểu Quốc hội.
Ý kiến khác không tán thành và cho rằng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho các giai tầng khác nhau trong xã hội, nên không thể quy vào một tiêu chuẩn chung.
Theo ông Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ngoài các tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội đã được luật Tổ chức Quốc hội quy định, nếu đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc (như am hiểu toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, có khả năng tranh luận, tư duy phản biện, kỹ năng biểu đạt ý kiến…) sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.
Bên cạnh đó, đối với mỗi loại cơ quan, tổ chức, đơn vị, hiện đã có những quy định riêng của Đảng, quy định của từng cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện khi xem xét, lựa chọn nhân sự.
Những nội dung, quy định này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện. “Xin Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo luật”, ông Tùng nói.
Thực hiện văn phòng phục vụ chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND địa phương
Một quy định khác được Quốc hội biểu quyết riêng liên quan đến quy định về bộ máy giúp việc của đoàn đại biểu Quốc hội. Đây là quy định còn nhiều ý kiến khác nhau và khi biểu quyết quy định này, có 395/450 (81,78%) đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành; có tới 47 đại biểu không tán thành, 8 đại biểu không biểu quyết.
Về quy định này, nhiều ý kiến đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580 của Quốc hội (thí điểm tổ chức một văn phòng giúp việc chung cho 3 cơ quan là Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh) để quyết định mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội phù hợp, hiệu quả, ổn định lâu dài.
Một số ý kiến đề nghị kết thúc thí điểm và giữ mô hình 3 văn phòng giúp việc như hiện hành; các ý kiến khác đề nghị chỉ hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội.
Giải trình trước Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, kết quả tổng kết Nghị quyết số 580 chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho kết thúc việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580 và tổ chức văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh.
Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm, ông Tùng cho hay, sẽ chuyển ngay sang mô hình nêu trên; ở các địa phương còn lại thì hoàn thành việc chuyển giao và thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.