Ngày 25.2, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án Trương Huy Định (23 tuổi, quê Tiền Giang) trộm cắp tài sản. Bị cáo ra tòa trên xe lăn và trong suốt phiên xét xử đã nhiều lần bật khóc khi trình bày lại quá trình phạm tội.
Lén nhờ công an trả lại nạn nhân tài sản
Theo cáo trạng, bị cáo từng đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản nên khá thành thạo tiếng Nhật. Đầu tháng 1.2019, bị cáo gặp ông Matsubara (quốc tịch Nhật) tại một quán ăn ở Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) nên nói chuyện, làm quen. Khi ông Matsubara lên xe về nhà, bị cáo lén đi theo và biết căn hộ của ông này ở chung cư.
Hai ngày sau, bị cáo tìm đến nơi ở của ông Matsubara rồi leo qua cửa sổ phòng tắm vào bên trong trộm một số vật dụng cùng két sắt. Sau khi mang tài sản trộm được về Tiền Giang, bị cáo dùng máy mài phá két sắt thì thấy bên trong nhiều ngoại tệ, giấy tờ cá nhân, thẻ ngân hàng mang tên ông Matsubara. Tổng số tài sản bị cáo trộm cắp sau khi quy đổi sang tiền Việt là hơn 223 triệu đồng.
“Bị cáo cầm tiền lên thấy quá trời luôn nên suy nghĩ, bây giờ người ta đi qua bên đây làm, mình lấy rồi người ta không có giấy tờ về nước nên bị cáo quyết định bỏ lại hết đồ trong két sắt. Bị cáo thuê xe ôm mà lúc đó bị cáo hết tiền rồi nên lấy 200 đô (USD) trong két đổi ra tiền Việt, bắt xe ôm đi mua một thùng xốp bỏ két vào rồi mang lên thành phố (TP.HCM). Lên tới thành phố, bị cáo lấy xe máy chở thùng xốp tới Công an P.Phú Mỹ (Q.7).
Lúc đó là 11 giờ 30 tối 8.1.2019. Trước công an phường có một chiếc ô tô và 2 cảnh sát đang ngồi nói chuyện. Bị cáo không biết làm cách nào nên cứ chạy đi chạy lại 4, 5 vòng. Sau đó, bị cáo lén bỏ cái thùng xốp đằng sau thùng ô tô rồi chạy về”, bị cáo trình bày tại phiên tòa.
“Bỏ lại thùng xốp, bị cáo chạy tới đường Nguyễn Lương Bằng thì lại nghĩ, giờ mình bỏ đằng sau xe lỡ 2 cảnh sát kia không phát hiện ra, rồi ai đó khiêng mất lại tội người ta thêm. Vì vậy, bị cáo quyết định vòng lại trông chừng, cứ chạy lòng vòng chỗ đó đến 3 giờ sáng đợi người ta phát hiện thùng xốp bị cáo mới đi về”, bị cáo khai tiếp.
Tối 9.1, bị cáo tự đến Công an Q.7 đầu thú.
Theo hồ sơ vụ án, trong thùng xốp có két sắt đựng tài sản, tiền và 4 mảnh giấy có chữ viết của bị cáo với nội dung nhờ công an phường trả lại tài sản cho ông Matsubara.
“Cố gắng cải tạo tốt nha con”
Suốt phiên tòa, nhiều lần bị cáo bật khóc khi trình bày lại hành vi phạm tội. Ở hàng ghế sau, bố mẹ bị cáo cũng thút thít khóc theo con trai.
Gia đình có hai chị em, Định là út nhưng cũng là hy vọng lớn nhất của cặp vợ chồng nghèo quanh năm quần quật bán lưng cho trời. Cả đến khi “đứa con trai tội nghiệp” đang đứng trước bục khai báo kia, mắt người mẹ vẫn ánh lên tự hào khi kể về “hồi đó”: “Nó cao ráo, đẹp trai lắm con ơi. Nó học giỏi lắm. Nó học cao đẳng nghề mấy năm trên này rồi đi xuất khẩu lao động qua Nhật. Nó được trường cho qua Nhật tu nghiệp, vừa học vừa làm…”. Nhưng rồi giọng bà bỗng chùng xuống khi nói về bệnh tật của con: “Từ năm học lớp 10, tai nó có mủ, hay đau trên đỉnh đầu nên phải đi mổ. Được một thời gian, lỗ tai lại ra máu nên phải mổ thêm lần nữa rồi sau lại phải mổ lần 3. Lần này mổ xong cũng là thời điểm nó sang Nhật”.
Tại tòa, bị cáo trình bày ban đầu không có ý định trộm cắp. Khi nói chuyện với ông Matsubara, bị cáo chỉ có ý muốn xin việc làm để có tiền chữa bệnh đang tái phát. “Do phút bồng bột vì hoàn cảnh đang túng quẫn, bị cáo mới gây ra chuyện. Lúc cầm tài sản của ông Matsubara, bị cáo chỉ muốn lấy tiền chữa bệnh. Nhưng rồi lương tâm, lý trí của bị cáo không cho phép. Bị cáo hứa sẽ không bao giờ tái phạm như thế này lần nào nữa. 13 tháng trong tù đối với bị cáo là thời gian dài đủ để bị cáo nhận thức được hành vi sai trái của mình”, bị cáo bật khóc.
Cáo trạng truy tố bị cáo ở khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù. Tại tòa, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị tuyên phạt bị cáo 7 - 8 năm tù. Bị cáo khóc thành tiếng và trình bày chữ sau vấp chữ trước: “Bị cáo bị teo cơ. 12 tháng nay chân bị cáo không đi được, toàn nằm viện. Chân bị cáo bị teo cơ, bác sĩ nói tỷ lệ hồi phục ngày càng thấp, khả năng vĩnh viễn phải ngồi xe lăn. Đây là sự đánh đổi quá lớn. Bị cáo nhận thức được sai lầm, ăn năn hối cải xin được hoàn lương chữa bệnh...”. Bố mẹ bị cáo nghe những lời con nói cũng bật khóc lớn trong tòa. Thời gian HĐXX nghị án có lẽ là khoảng lặng nặng nề nhất mà gia đình và bản thân bị cáo phải trải qua…
Khoảng 1 giờ sau, cả khán phòng lặng phắc nghe từng câu, từng chữ HĐXX tuyên án: “…Theo HĐXX, bị cáo đã trả lại tài sản cho người bị hại, có thái độ khai báo thành khẩn, đang bị bệnh… nên bị cáo được hưởng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật… Vì những căn cứ trên, tuyên phạt bị cáo Trương Huy Định 3 năm tù”. Bị cáo gục mặt vào hai bàn tay, vai rung lên trong tiếng nấc. Còn hai bậc phụ huynh vừa khóc vừa không ngừng chắp tay, cúi đầu rối rít cảm ơn HĐXX.
Bị cáo được các cảnh sát đẩy xe lăn, dẫn giải ra xe về trại tạm giam. Người cha chạy với theo, níu tay động viên “cố gắng cải tạo tốt nha con”, để mặc những giọt nước mắt rơi trên gương mặt đứa con cũng đang khóc nấc vì hối hận…
Sẽ cố xin cho con về sớm để kịp chữa đôi chânChiếc xe chở bị cáo hú còi lăn bánh, khuất dần, bố mẹ Định vẫn chưa chịu về mà nán lại nơi sân tòa như cố tìm hơi ấm của con còn lẩn khuất. Ngồi ở hàng ghế đá sân tòa, cha bị cáo móc trong túi ra con cá đan bằng dây cước mà phiên tòa lần trước (tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung - PV) Định đưa cho, khoe: “Nó làm con cá tặng mẹ nó nè. Chữ này chữ Đ, là thằng Định nè. Chữ này chữ cha, bên đây là mẹ. Bên nó ghi cha yêu, bên mẹ yêu”. Ông bảo gia đình sẽ cố gắng kháng cáo xin cho con được về nhà sớm nhất để có thể kịp chữa được đôi chân và tai.
|
Bình luận (0)