Kết quả khảo sát 'mức độ hài lòng' có chính xác?

12/04/2019 04:38 GMT+7

Mức độ hài lòng về cải cách hành chính ở một số đơn vị, địa phương tại TP.HCM khá cao, nhưng vẫn có ý kiến băn khoăn về phương pháp, kết quả khảo sát.

Ngày 11.4, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính ở TP năm 2018 và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2019.

Người dân phải đi lại không dưới 2 lần để bổ túc hồ sơ

Tại hội nghị, ông Vũ Thanh Lưu, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP, cho biết từ tháng 5 - 10.2018, cơ quan này phối hợp với Công ty TNHH phân tích Thời gian thực (RTA) tổ chức khảo sát, lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính ở Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Q.1, Q.12 và H.Hóc Môn.
Sau khi 5 đơn vị này cung cấp hơn 38.000 hồ sơ về hoàn tất giao dịch hành chính trong quý 1/2018, đơn vị thực hiện đã chọn ngẫu nhiên 2.468 hồ sơ (tỷ lệ 6,47%) để khảo sát. Qua đó, đã thực hiện phỏng vấn thành công 1.132 lượt (tỷ lệ 46%) người dân và doanh nghiệp (DN); 1.336 lượt (đạt 54%) không tham gia. Đáng chú ý, trong số lượt khảo sát thành công có 1.051 lượt (93%) phỏng vấn qua phần mềm khảo sát trên điện thoại và chỉ 81 lượt (7%) gặp trực tiếp phỏng vấn.
Kết quả cho thấy, về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức (cho điểm từ mức 6 trở lên), Sở KH-ĐT đạt 92%, Sở Xây dựng 93%, Q.1 92%, Q.12 91%, H.Hóc Môn 83%.
Khảo sát cũng cho thấy, trung bình người dân và DN phải đi lại không dưới 2 lần để bổ túc hồ sơ khi làm thủ tục hành chính ở Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Q.1 và Q.12; riêng H.Hóc Môn là 3 lần...

Phỏng vấn qua điện thoại có đem lại số liệu chính xác?

Số tiền mà Công ty RTA ký kết với TP để khảo sát 2 sở và 3 quận kể trên chỉ hơn 400 triệu đồng. Trong năm 2019, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM dự kiến khảo sát sự hài lòng đối với Sở TN-MT, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Cục Hải quan, Cục Thuế và 24 quận huyện, 319 phường, xã, thị trấn.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, băn khoăn về việc số người gặp trực tiếp phỏng vấn chỉ 81 (chiếm 7% lượt khảo sát), trong khi có tới 1.051 lượt (chiếm 93%) phỏng vấn qua điện thoại. Từ đó ông Nhân đặt vấn đề, hai phương pháp này liệu có đem lại hiệu quả như nhau? Nếu kết quả khác biệt, năm sau phải tăng nội dung khảo sát bằng giấy lên; ngược lại nếu giống nhau không nhất thiết phải khảo sát bằng giấy.
Ông Nhân cũng đề nghị cơ quan khảo sát làm rõ thêm tại sao 1.336 lượt (chiếm hơn 54%) được mời nhưng không tham gia khảo sát.
Về việc này, TS Lê Đặng Trung, Giám đốc Công ty RTA, cho hay người dân muốn tham gia khảo sát nhưng khá e ngại khi được mời phỏng vấn trực tiếp với sự hiện diện của những người xung quanh. Nếu mời tới trụ sở Ủy ban MTTQ VN TP.HCM hay UBND TP để hỏi người dân càng e ngại.
Cũng theo ông Trung, qua thống kê cho thấy nếu thực hiện tốt, hai phương pháp khảo sát sẽ cho kết quả không khác biệt nhiều, nhưng phương pháp phỏng vấn qua điện thoại thuận lợi hơn, giúp tiết kiệm kinh phí...
Trả lời PV Báo Thanh Niên ông Trung nhìn nhận phương pháp hỏi trực tiếp tại nhà đem lại nhiều thông tin nhưng không phải ai cũng đồng ý khảo sát, nhất là khi phỏng vấn tại nhà phải kèm công an khu vực hay tổ trưởng dân phố khiến người dân e ngại. Bên cạnh đó, chi phí tổ chức phương pháp khảo sát, phỏng vấn tại nhà cao gấp 10 - 20 lần so với qua điện thoại...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.