Chủ trương chuyển đổi công năng, di dời khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Đồng Nai từ năm 2009. Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai, đến nay đề án này lại quay về vạch xuất phát…
Loay hoay chuyển đổi hơn 10 năm vẫn chưa xong
Trả lời Thanh Niên, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai - đơn vị được giao đầu mối xây dựng đề án, cho biết hiện nay Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có báo báo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh, đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam. Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng, tỉnh Đồng Nai mới thực hiện các bước tiếp theo.
|
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ (văn bản số 307/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng ngày 7.10.2009). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) khảo sát, xây dựng phương án di dời. Theo tính toán của Sonadezi từ năm 2015, lộ trình thực hiện được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (2015 - 2017) thực hiện chuyển đổi 56 ha; giai đoạn 2 (2018 - 2021) chuyển đổi 155 ha và giai đoạn 3 (2022 - 2025) chuyển đổi 113 ha còn lại. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 15.700 tỉ đồng.
Tuy nhiên từ đó đến nay, quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại và chậm trễ. Hiện hồ sơ chuyển đổi lại phải làm lại từ đầu do chính sách pháp luật đã thay đổi và không còn phù hợp.
Trong một lần trả lời chất vấn cử tri tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai mới đây liên quan đến tiến độ di dời KCN Biên Hòa 1, Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai Hồ Văn Hà giải thích sự chậm trễ có nguyên nhân khách quan do chính sách pháp luật hiện nay đã thay đổi, như: luật Đấu thầu, luật Đầu tư và chính sách hỗ trợ di dời nhà máy hết hiệu lực… Đồng thời, ông Hà cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan do đơn vị lập đề án chưa có kinh nghiệm, còn nhiều lúng túng do đây là đề án chuyển đổi công năng KCN đầu tiên trong cả nước.
|
Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết hiện KCN Biên Hòa 1 có gần 100 doanh nghiệp (DN) đang thuê tại đây, trong đó có 87 DN chính thức thuê đất, còn lại là các DN cho thuê kho bãi, nhà xưởng. Nhiều DN vẫn còn thời hạn thuê đất kéo dài, thậm chí có DN còn thời hạn đến năm 2051. Tuy nhiên phần lớn DN đều đồng tình với chủ trương chuyển đổi công năng, di dời KCN và mong muốn chính quyền sớm thực hiện đề án, hỗ trợ để DN chuyển đến nơi mới.
Chờ... hành lang pháp lý
Ông Phạm Việt Phương, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết trước đây do liên quan đến chi phí đầu tư, tính toán các phương án chưa hiệu quả nên đề án phải trình tới trình lui dẫn đến chậm trễ. Hiện nay điều kiện đã thuận lợi hơn; sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị khởi công; nhiều DN quan tâm và nguồn tiền di dời đã có... “Hiện đề án đang được UBND tỉnh giao Sở Xây dựng thẩm định. Khi có hành lang pháp lý của Chính phủ (đồng ý loại bỏ KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch) thì mới tính được các bước tiếp theo. Tuy nhiên lộ trình dự kiến đến năm 2021, các DN phải di dời xong”, ông Phương nói và cho biết việc đấu giá khai thác quỹ đất của các DN di dời cũng là một trong những phương án được UBND tỉnh Đồng Nai tính đến.
|
Trong khi đó theo ông Hồ Văn Hà, thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và UBND TP.Biên Hòa tập trung tham mưu cho tỉnh thực hiện các bước, như: xem xét các giải pháp nguồn vốn để giải phóng mặt bằng; xây dựng cơ chế hỗ trợ di dời, chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực… “Đây là dự án đặc thù có quy mô lớn, liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, ảnh hưởng đến nhiều DN và người dân, người lao động nên cần nhiều thời gian để triển khai. UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đề án, sớm di dời bàn giao mặt bằng để lựa chọn nhà đầu tư, trên tinh thần tích cực và khẩn trương”, ông Hà nhấn mạnh.
KCN Biên Hòa 1 ra đời năm 1963, là KCN lâu đời nhất Việt Nam, là biểu tượng của ngành công nghiệp miền Nam sau giải phóng. KCN Biên Hòa 1 có tổng diện tích hơn 320 ha. Báo cáo của Sở TN-MT Đồng Nai, cho biết mỗi ngày các DN đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000 m3 nước thải; trong đó, có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các DN tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tình trạng này khiến nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng chục triệu người dân vùng Đông Nam bộ.
|
Bình luận (0)