Khám chữa bệnh ở TP.HCM thời giãn cách

13/07/2021 06:18 GMT+7

Trong bối cảnh giãn cách và tập trung ứng phó đại dịch Covid-19 , công tác cấp cứu và khám, chữa trị người bị bệnh khác (ngoài Covid -19) ở TP.HCM được triển khai thực hiện như thế nào?

Bên cạnh việc TP.HCM điều động số lượng lớn y bác sĩ tham gia phòng, chống dịch Covid-19, thì còn có thực tế nhân viên y tế mắc Covid-19, bị cách ly nên tạo áp lực nhân sự cho bệnh viện. Vậy công tác cấp cứu và khám, chữa trị người bị bệnh khác (ngoài Covid-19) ở TP.HCM được triển khai thực hiện như thế nào?

Sáng 13.7: Thêm 466 ca Covid-19, TP.HCM nhiều nhất với 365 ca

Hành trình khám bệnh nhọc nhằn hơn

Khoảng 10 giờ ngày 12.7, PV Thanh Niên đến Bệnh viện (BV) Q.Tân Phú để đăng ký khám bệnh. Trước sân BV, cả trăm người dân đang test nhanh để lấy kết quả âm tính. Mặc dù mới 10 giờ nhưng người gác cổng BV từ chối khám bệnh thông thường, hẹn buổi chiều quay lại khám. Bà H.T.Lan (60 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) tới ngày tái khám nhưng đến vào khung giờ này cũng phải quay về...
Tại BV Nhi đồng 1, lúc 10 giờ 30, chị N.Lan (ngụ H.Bình Chánh, vừa khám xong cho con 2 tuổi) ra về, chia sẻ: Ngày 9.7, con bị viêm amidan, sốt cao, co giật nên phải xuống BV Nhi đồng 1 khám, bác sĩ hẹn 3 ngày sau tái khám. “Ngày 9.7, tôi đi buổi chiều vắng lắm, khám nhanh. Sáng nay đi khám, gặp mấy chốt kiểm soát, các chú công an hỏi lý do, tôi xuất trình giấy hẹn tái khám cho con nên được cho qua. Đến BV do là thứ hai đầu tuần nên hơi đông, phải xếp hàng khám sàng lọc, mất hết 30 phút, sau đó mới đến đăng ký khám, gặp bác sĩ. Từ lúc tới BV đến khi ra về là gần 3 giờ”, chị Lan kể lại.
Sáng 12.7, ngồi trước cổng BV Nhi đồng 1, anh Nam (ngụ Long An) với khuôn mặt khá mệt mỏi. Anh cho biết mình đã ngồi dựa tường từ đêm qua tới giờ. Số là chiều 11.7, con trai anh 13 tuổi bị đau bụng, đến BV địa phương khám, được chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng không phẫu thuật được nên chuyển lên TP.HCM. Đến BV Nhi đồng 1, qua khám sàng lọc, vợ và con anh được vào, còn anh ở vòng ngoài; vì BV quy định 1 bệnh nhân (BN) 1 người chăm sóc. Đến 5 giờ sáng 12.7, con anh đã được phẫu thuật. Anh Nam vừa vui, vừa lo vì chẳng lẽ ngồi dựa tường vài ba ngày. Còn nếu về quê (cách TP.HCM 30 - 40 km) thì cũng khó vì phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính…

Đưa bạn đi khám thai trong ngày TP.HCM giãn cách xã hội, nhưng thiếu “giấy thông hành”, chàng trai bị CSGT kiểm tra

Lúc 11 giờ 15 ngày 12.7, tại cổng chính của BV Nhân dân 115 trên đường Dương Quang Trung (Q.10), nhiều người cho hay đang chờ để lấy thuốc hoặc chờ lấy dịch lọc màng bụng. “Hôm nay là ngày tái khám, tôi đóng tạm ứng 2 triệu đồng, ngồi chờ lấy thuốc và không xét nghiệm. Bác sĩ cho tôi thuốc 2 tháng, đến tháng 9 sẽ tái khám”, bà Mai (một BN ở Q.Thủ Đức) nói.
Trong khi đó, nhiều BV ở TP.HCM tạm chuyển công năng để điều trị Covid-19, bị tạm dừng hoạt động do có ca nhiễm xâm nhập hoặc y bác sĩ bị nhiễm… Cụ thể, các BV tạm chuyển đổi công năng để điều trị Covid-19, gồm: BV Bệnh nhiệt đới, BV Trưng Vương, BV đa khoa khu vực Thủ Đức, BV H.Bình Chánh, BV Q.Gò Vấp, BV H.Củ Chi, một nửa BV Phạm Ngọc Thạch… Bên cạnh đó, một số BV phải tạm dừng hoạt động do có ca Covid-19 xâm nhập hoặc xuất phát từ BV.
Trước tình cảnh này, có BN phải chạy lòng vòng mới có thể khám bệnh, cấp cứu. Điển hình ngày 9.7, 1 nam BN bị ngất xỉu tại Q.1 phải chạy qua 5 BV: BV đa khoa Sài Gòn (đang phong tỏa), BV Q.1 (cơ sở 2 chưa tiếp nhận cấp cứu), BV Đại học Y Dược (đang tạm ngưng), BV Phạm Ngọc Thạch (vừa điều trị Covid-19, vừa điều trị BN lao, HIV) và BV Nhân dân 115. BN chỉ được tiếp nhận cấp cứu tại BV Nhân dân 115.

Trường hợp cần cấp cứu, bệnh nặng mới đến bệnh viện

Các BV công tại TP.HCM đang thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ quan trọng: trực cấp cứu, khám, chữa bệnh và chống dịch. PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho hay hơn một nửa nhân sự của BV tham gia phòng, chống Covid-19 như lấy mẫu, tiêm vắc xin, đi các khu cách ly, BV dã chiến, tham gia hội chẩn ca bệnh Covid-19 khi có yêu cầu… Tuy nhiên, BV vẫn phải trực cấp cứu 24/24 và khám, chữa bệnh. Nay số lượng bệnh ở BV giảm sâu, mỗi ngày 200 - 300 BN ngoại trú, ngày thứ hai có thể lên 500 BN, giảm 1/10 so với bình thường, chỉ những cháu cần cấp cứu, nặng thì mới đến BV. Còn nội trú cũng giảm còn 200 - 300 BN.
Điều trị bệnh nhân suy thận trong dịch Covid-19 ẢNH: AN MỸ

Điều trị bệnh nhân suy thận trong dịch Covid-19

ẢNH: AN MỸ

Tương tự, TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM thông tin, có thời điểm BV cử 200 y bác sĩ cùng lúc đi chống dịch, nhưng công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu vẫn phải đảm bảo. Mọi BN cấp cứu đến BV đều nhận và đưa vào khu cấp cứu sàng lọc (dù không có test nhanh), sau khi cấp cứu nếu không quá nặng và đủ tiêu chuẩn điều trị ngoại trú thì cho BN về. Hiện số bệnh ngoại trú còn 500 người/ngày và nội trú cũng chỉ còn 200 người, giảm rất nhiều. Ngay từ đầu mùa dịch, chúng tôi đã đề nghị bác sĩ chủ động cho thuốc BN tối đa 3 tháng, việc cho thuốc và điều trị phải đảm bảo chuyên môn, an toàn về ung thư, không vì Covid-19 mà làm sai phác đồ.
“Tất cả mặt trận, từ điều trị BN Covid-19, lấy mẫu, tiêm vắc xin..., BV đều tham gia với vai trò tuyến cuối và luôn sẵn sàng chi viện. Bên cạnh đó, vừa chống Covid-19 tại BV và duy trì lực lượng để khám, chữa bệnh”, TS-BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 nói và cho biết thêm hiện BV cấp cứu 200 ca/ngày, giảm 50%, khám ngoại trú giảm 60 - 70%, còn nội trú giảm gần 1/3.
Với BN thận, BV làm rất kỹ. Khi BN đến cổng thì nhân viên đơn vị lọc thận mặc đồ bảo hộ tiếp đón BN vào, đẩy ra khi lọc thận xong. Mỗi lần đến là test nhanh, nhờ vậy đã phát hiện một vài trường hợp dương tính. Sau 3 ngày, sẽ làm xét nghiệm RT-PCR. Về việc nhiều người được cho là BN ngồi trước cổng BV đóng tiền, nhận thuốc, theo TS-BS Sóng, chủ trương BV là không có như thế. Khu vực đó chỉ dành cho những người được ủy quyền nhận thuốc.

Mở “quầy hàng 0 đồng” trong bệnh viện giúp thầy thuốc yên tâm chống Covid-19

Không được từ chối cấp cứu bệnh nhân

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, yêu cầu các BV, trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức đảm bảo công tác thường trực, cấp cứu người bệnh trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các BV phải duy trì hoạt động của khoa cấp cứu, đảm bảo 24/7, đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Nếu trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh và thân nhân trước khi chuyển đi BV khác.
Người dân chờ nhận thuốc tại BV Nhân dân 115 ẢNH: DUY TÍNH

Người dân chờ nhận thuốc tại BV Nhân dân 115

ẢNH: DUY TÍNH

“Tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh, đặc biệt là các trường hợp nguy kịch can thiệp hồi sức cấp cứu. Trường hợp BV bị phong tỏa thì phải thông báo công khai để người dân biết”, PGS-TS Thượng yêu cầu.
Mặt khác, cơ sở y tế đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ; Đảm bảo thường trực đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết. Các đơn vị phải thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp Sở Y tế huy động do phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 một cách bị động.

400 xe taxi đưa đón bệnh nhân

“Hiện TP.HCM có 400 xe taxi Mai Linh, Vinasun được lưu thông. Tuy nhiên, chỉ được chở người đi BV - xuất viện, còn những trường hợp khác sẽ không được giải quyết”, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin tại cuộc họp báo ngày 10.7.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho hay trung tâm đang trực tại các BV dã chiến, khu cách ly. Người dân khi cần cấp cứu thì gọi 115 và trung tâm sẽ điều các trạm vệ tinh tham gia. Nếu BN nặng, hay các trạm vệ tinh đang bận thì trung tâm sẽ trực tiếp đi.
Duy Tính - Thu Ngân
“Khi tạm chuyển đổi công năng một số BV để điều trị Covid-19 thì vấn đề đặt ra là người dân mắc các bệnh thông thường sẽ đi đâu? Để người dân không thiệt thòi trong khám chữa bệnh, Sở đã thảo luận với Bảo hiểm xã hội thì người dân có thể đến các quận huyện khác, vẫn đảm bảo chế độ bảo hiểm y tế. Thời gian này khó khăn cho người dân một số nơi là phải đi xa hơn, ngành y tế rất mong người dân thông cảm”, PGS-TS Thượng nói.

6 điểm cần lưu ý khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phòng Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.