Kháng lệnh tạm dừng kinh doanh để phòng Covid-19, có thể bị xử lý hình sự

27/03/2020 17:55 GMT+7

Sau TP.Hà Nội, TP.HCM, nhiều tỉnh, thành khác đã quyết định tạm dừng kinh doanh một số hoạt động vui chơi, giải trí, kinh doanh, tập trung đông người..

Tuy nhiên đối với những cơ sở kinh doanh không thực hiện quyết định tạm dừng kinh doanh theo quyết định của cơ quan chức năng thì phải xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định nhằm phòng chống dịch Covid-19, việc một số tỉnh thành yêu cầu các tổ chức kinh doanh tạm dừng hoạt động là hoàn toàn đúng với diễn biến phức tạp của dịch cũng như đúng với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, rằng trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch, như, hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.
“Đồng thời, thẩm quyền ban hành quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định theo điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu.

Việt Nam có 163 bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi thêm 10 ca liên tiếp

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với các cá nhân, tổ chức không chấp hành quyết định của UBND trong việc ngưng hoạt động hoặc tụ tập nơi đông người, thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Trường Đại học Kinh tế - luật TP.HCM) cho biết việc không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, là vi phạm vào một trong hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 7 Điều 8 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Và hành vi cố tình vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng theo điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Hơn nữa, nếu việc hoạt động của cơ sở kinh doanh dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệch thì cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thạc sĩ Lưu Đức Quang cho hay, đối với mức phạt từ 5 – 10 triệu đồng liên quan đến hành vi không chấp hành lệnh tạm dừng kinh doanh trên thì Chủ tịch UBND quận/huyện; Chánh thanh tra Sở y tế; Đội trưởng đội quản lý thị trường; Cục trưởng Cục quản lý thị trường có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nếu phát hiện hành vi vi phạm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.