Giám đốc Sở GT-VT Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho biết dự án Cảng hàng không Phan Thiết vẫn phải chờ Bộ Quốc phòng trình quy hoạch chi tiết và vẫn chưa có chủ đầu tư các hạng mục quân sự.
Dự án chậm vì đâu ?
Sân bay Phan Thiết được Bộ GT-VT phê duyệt tại Quyết định (QĐ) 3216/QĐ-BGTVT ngày 16.10.2013 . Đây là sân bay lưỡng dụng, được thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư phần hạng mục quốc phòng, UBND tỉnh làm chủ đầu tư hạng mục bay dân dụng. Tuy nhiên, kể từ ngày khởi công (18.1.2015) tức đã đúng 4 năm sau ngày khởi công, dự án sân bay Phan Thiết vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về nguyên nhân dự án sân bay Phan Thiết quá chậm trễ, lãnh đạo Sở GT-VT (được UBND tỉnh giao quyền trả lời Thanh Niên - PV) cho biết cho đến nay Bộ Quốc phòng vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư phần dự án quân sự. Do vậy, dù UBND tỉnh Bình Thuận đã chọn được nhà đầu tư nhưng vẫn phải chờ Bộ Quốc phòng. Đây là nguyên chính nhân chính dẫn đến dự án chậm triển khai.
Theo Sở GT-VT Bình Thuận, hiện nay toàn bộ công tác đền bù giải tỏa UBND tỉnh Bình Thuận đã làm xong và bàn giao đất cho Bộ Quốc Phòng (Bộ Quốc phòng giao tạm thời cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận tiếp nhận).
Giám đốc Sở GT-VT Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho biết về thiết kế, sân bay Phan Thiết đã được “hòa mạng” vào hệ thống Cảng hàng không quốc gia khi được Bộ GT-VT phê duyệt thay đổi thiết kế từ sân bay cấp độ 4C lên 4E. “Từ đây, mọi điều chỉnh quy hoạch phải làm lại và trình phê duyệt lại rất mất thời gian. Việc thay đổi quy hoạch từ cấp 4C lên 4E đã mất hơn một năm vì phải lấy ý kiến các bộ ngành”, ông Hải nói.
Thủ tướng cho phép sân bay Phan Thiết nâng cấp đường băng từ 2.400 m lên 3.050 m để các máy bay lớn có thể hạ cánh. Quy mô thiết kế vận tải hành khách từ 1 triệu hành khách/năm lên 2 triệu hành khách/năm (trở thành Cảng hàng không quốc gia).
Nhà điều hành Sân bay Phan Thiết được xây dựng khi khởi công, nay đã bỏ hoang ẢNH: QUẾ HÀ
Cũng theo ông Hải, ban đầu chủ trương xây dựng sân bay Phan Thiết bằng hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) nhưng sau này Chính phủ không đồng ý và chuyển qua hình thức BOT, tức là phải đấu giá đất theo luật Đầu tư công.
Hiện nay phần vốn đầu tư của Bộ Quốc phòng cho sân bay Phan Thiết chưa được quyết định chính thức lấy từ nguồn nào.
Đừng để dân thiệt thòi vì triển khai chậm !
Phối cảnh Cảng hàng không Phan Thiết Ảnh: Sở GT-VT Bình Thuận
Trả lời Thanh Niên chiều 12.2, Giám đốc Sở GT-VT Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho rằng về nguyên tắc, các quy hoạch về quân sự ở sân bay Phan Thiết đều được Bộ Quốc phòng làm rất chặt chẽ, chi tiết theo quy định Mật.
Về nguồn tài chính đền bù đất, hiện nay Bộ Quốc phòng đã cùng tỉnh Bình Thuận đền bù tiền đất cho dân (giai đoạn 1 là 543 ha).
"Quy hoạch sân bay Phan Thiết được thực hiện sớm sẽ là động lực thúc đẩy các quy hoạch khác, trong đó có quy hoạch chi tiết mở rộng TP.Phan Thiết đến 2025 - tầm nhìn 2030. Đặc biệt, khi có Cảng hàng không quốc gia Phan Thiết thì sẽ tạo điều kiện thúc đẩy triển khai quy hoạch Khu du lịch biển quốc gia Mũi Né mà Thủ tướng chính phủ vừa mới có quyết định phê duyệt cuối năm 2018”, ông Hải nói.
Các hạng mục quân sự trong Cảng hàng không Phan Thiết Ảnh: Sở GT-VT Bình Thuận cung cấp
Ông Trần Tú Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết), cho rằng người dân Phan Thiết nói chung và xã Thiện Nghiệp nói riêng rất vui khi dự án sân bay Phan Thiết được đặt tại xã này. Tuy nhiên, theo ông Trần Tú Minh, dự án có dấu hiệu chậm trễ kéo dài. “Cái này rõ ràng tạo ra các hiệu ứng tiêu cực, đặc biệt là công tác quản lý đất đai, an ninh chính trị an toàn xã hội, tạo những khó khăn nhất định cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương”, ông Minh cho biết.
Các hạng mục quân sự trong Cảng hàng không Phan Thiết Ảnh: Sở GT-VT Bình Thuận cung cấp
Theo ông Minh, khi dự án sân bay Phan Thiết triển khai thì cơ cấu kinh tế địa phương sẽ chuyển dịch rõ ràng sang du lịch, dịch vụ. Nhưng triển khai quá chậm sẽ tạo ra những cơn sốt đất giả, gây mất an ninh trật tự, gây khó cho công tác quản lý đất đai. “Mặt khác, đất đã được người dân bàn giao cho dự án ngay từ đầu. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa triển khai, rõ ràng là thiệt thòi cho dân vì đất bỏ hoang nhưng không được sản xuất. Đừng để dân thiệt thòi vì dự án chậm trễ”, ông Minh nói.
Đường vào xã Thiện Nghiệp, nơi có dự án, bị tình trạng cò đất mua bán đất đai trái pháp luật, tạo ra cơn sốt đất giả thời gian qua ẢNH: QUẾ HÀ
Đường vào xã Thiện Nghiệp, nơi có dự án, bị tình trạng cò đất mua bán đất đai trái pháp luật, tạo ra cơn sốt đất giả thời gian qua ẢNH: QUẾ HÀ
Tương tự, bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, Chủ tịch UBND P.Mũi Né, cho rằng Mũi Né là điểm du lịch nổi tiếng, nằm sát sân bay Phan Thiết. Khi có sân bay sẽ tạo động lực cho du lịch Mũi Né bứt phá. “Nhưng nếu nó triển khai chậm quá thì sẽ gây bức xúc cho dân. Vừa không giải quyết được việc làm, người dân nhường đất cho dự án còn không được hưởng lợi do chậm triển khai. Cho nên người dân chúng tôi ở đây mong muốn dự án sân bay triển khai càng sớm càng tốt”, bà Hoa nói.
Theo giám đốc Sở GT-VT Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải, đối với khu bay quân sự trong Cảng hàng không Phan Thiết, đơn vị tư vấn là công ty tư vấn thiết kế ADCC đã lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ Quốc phòng, đang báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
Các hạng mục quân sự gồm: Khu dùng chung, Khu quân sự, khu gia đình quân nhân, bổ sung 5 đài dẫn bay.
Về nguồn vốn, ban đầu dự kiến từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Quốc Phòng và tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thống nhất được phương án.
Ngày 13.12.2018, Bộ Quốc Phòng đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về việc đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang để đầu tư khu quân sự trong cảng hàng không Phan Thiết.
Bình luận (0)