Không cản trở người ngoài Đảng tự ứng cử Quốc hội

01/03/2021 08:48 GMT+7

Tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ trước đến nay không cản trở gì những người tự ứng cử, vì đây là quyền của công dân.

Ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (cơ quan chủ trì hiệp thương, lựa chọn người ứng cử Quốc hội), khẳng định tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ trước đến nay không cản trở những người tự ứng cử, vì đây là quyền của công dân.

“Cửa” cho những người tự ứng cử là thoải mái

Theo báo cáo của Ban thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chỉ có 5 tỉnh, thành dự kiến có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa 15. Ông nhìn nhận sao về việc này?
Ông Hầu A Lềnh: Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (17.2), chỉ có 5 tỉnh, thành đã dự kiến có người tự ứng cử đại biểu QH khóa 15 là Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái và Tuyên Quang. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tổng hợp tới 17.2, khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Còn thời gian sau đó thì những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định vẫn có thể nộp hồ sơ ứng cử. Hạn cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử theo quy định là 14.3. Khi đó chúng ta mới có con số chính thức số lượng người tự ứng cử.
Với cơ cấu như hiện nay, số ghế trong QH dành cho các đại biểu tự ứng cử có nhiều không, thưa ông?
Cái đó trong quy định thực tế là tỷ lệ đại biểu là những người ngoài Đảng. Theo cơ cấu dự kiến của Ủy ban Thường vụ QH thì tỷ lệ này phấn đấu khoảng 5 - 10%. Với tỷ lệ này, những người ngoài Đảng hay người tự ứng cử sẽ có số lượng từ 25 - 50 đại biểu. Tuy nhiên, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thì vẫn chưa đạt được con số này, mới được hơn 7%. Nhưng đây mới là hiệp thương lần 1, sau lần 2 có thể bổ sung. Với tỷ lệ tối đa là 10% thì “cửa” để những người tự ứng cử là thoải mái.
So với các nhiệm kỳ trước, các quy định đặt ra với người tự ứng cử ở nhiệm kỳ này có thay đổi gì theo hướng mở hơn không?
Tất cả các khóa bầu cử QH và HĐND các cấp từ trước đến nay không cản trở gì những người tự ứng cử, vì đây là quyền của công dân. Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu QH 15 và HĐND các cấp đã nêu rất rõ, tất cả công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền tự ứng cử.
Những người tự ứng cử viết đơn gửi đến ủy ban bầu cử các cấp. Trên cơ sở đó thì các ủy ban bầu cử sẽ xem xét, thống nhất với MTTQ đưa ra các hội nghị hiệp thương để thỏa thuận, thống nhất.
Trong trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tự ứng cử thì theo quy định phải được cơ quan đơn vị quản lý xác nhận đồng ý cho anh tự ứng cử. Vì là đảng viên, cán bộ, công chức thì anh thuộc quản lý của Đảng, Nhà nước, không thể tự do được.
Ngoài ra, việc thẩm định hồ sơ của những người tự ứng cử cũng được tiến hành đồng thời với những người do các cơ quan, đơn vị giới thiệu. Quy trình thẩm định là như nhau. Cụ thể là thẩm định tiêu chuẩn, lịch sử chính trị, các vấn đề liên quan tới pháp lý nếu có hoặc ý kiến phản ánh của nhân dân...

15 tỉnh, thành kiến nghị giảm đại biểu T.Ư “gửi” về địa phương

QH khóa 15 dự kiến sẽ tăng đại biểu T.Ư và giảm số lượng đại biểu địa phương. Vừa qua, nhiều tỉnh, thành có kiến nghị giảm số lượng đại biểu T.Ư “gửi” về địa phương, để tăng đại biểu địa phương lên?
Sau khi hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, 63 tỉnh, thành có báo cáo thì 48 tỉnh, thành đồng ý với dự kiến cơ cấu, số lượng theo Nghị quyết 1185 của Ủy ban Thường vụ QH. Có 15 tỉnh, thành có kiến nghị với nhiều nội dung khác nhau, trong đó có đề nghị giảm số lượng đại biểu T.Ư gửi về địa phương để tăng số lượng đại biểu ở địa phương.
Vào ngày 22.2 vừa qua, Ủy ban Thường vụ QH đã tiến hành điều chỉnh lần thứ nhất về dự kiến cơ cấu, số lượng đại biểu QH khóa 15 dựa trên kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất cũng như kiến nghị của cơ quan, đơn vị và các địa phương. Sau khi Ủy ban Thường vụ QH thống nhất sẽ ban hành nghị quyết mới để điều chỉnh.
Việc điều chỉnh cơ cấu, số lượng sẽ được tiến hành một lần nữa sau khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ 2. Chẳng hạn, cơ quan đơn vị không thể giới thiệu được người ứng cử thì Ủy ban Thường vụ QH có thể điều chỉnh sang cơ quan khác hoặc điều chỉnh cho địa phương.
Một thay đổi nữa trong cơ cấu QH khóa 15 là giảm đại biểu ở các cơ quan Đảng, Chính phủ. Tại sao lại có chủ trương đó, thưa ông?
Theo Nghị quyết 1185 của Ủy ban Thường vụ QH, dự kiến cơ cấu, số lượng, thành phần QH khóa 15 thì giảm số lượng đại biểu QH ở cơ quan Đảng, Chính phủ, giảm cả một số địa phương để tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách ở các ủy ban, cơ quan của QH.
Đại biểu thuộc các cơ quan thuộc khối hành pháp, tư pháp thì có thể giảm đi vì đây là các cơ quan chấp hành của QH, thực hiện các nghị quyết của QH, nên không nhất thiết bộ, ngành nào cũng có đại diện đầy đủ trong QH.
Trong khi đó, chúng ta rất cần tăng đại biểu chuyên trách lên để tham gia nghiên cứu sâu hơn trong công tác xây dựng pháp luật, thực hiện chức năng của QH.

Rút kinh nghiệm sâu sắc vấn đề quốc tịch của đại biểu QH

QH khóa trước có một số trường hợp đại biểu vi phạm quy định về quốc tịch. Lần này, MTTQ Việt Nam sẽ tham gia giám sát vấn đề này ra sao, thưa ông?
Trước hết, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu QH khóa 15 phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo luật Tổ chức QH mới được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì đại biểu QH chỉ có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức giám sát bầu cử thông qua các đoàn giám sát do Hội đồng bầu cử quốc gia phân công và đoàn giám sát riêng do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức. Đợt giám sát đầu tiên sẽ tiến hành từ 5.3 tới đây. Việc giám sát sẽ bao gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung tiêu chuẩn của người được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử, gồm vấn đề quốc tịch.
Như vậy nghĩa là vấn đề quốc tịch của ứng viên đại biểu QH cũng sẽ được lưu ý hơn?
Tất cả các vấn đề giám sát đều sẽ được lưu ý, song vấn đề quốc tịch thì mình sẽ rút kinh nghiệm rất sâu sắc. Những gì vướng ở QH khóa trước phải được lưu ý ở khóa này. Trong thông tri hướng dẫn về công tác kiểm tra giám sát bầu cử của MTTQ Việt Nam đã có nội dung của từng đợt giám sát, nói rất là rõ cần tập trung giám sát vào vấn đề gì.
Ngoài vấn đề tiêu chuẩn thì MTTQ Việt Nam có giám sát việc các ứng cử viên vận động bầu cử không lành mạnh không?
Trong Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị có yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng “vận động” không lành mạnh. Do đó, tôi cho rằng, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quy định rõ về vấn đề này.
MTTQ Việt Nam chỉ lưu ý trong tất cả các hướng dẫn là thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, các nghị quyết, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng bầu cử quốc gia. Còn ở các địa phương, theo phân cấp sẽ cụ thể hóa những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Xin cảm ơn ông!

Tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ trước đến nay không cản trở gì những người tự ứng cử, vì đây là quyền của công dân. Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội 15 và HĐND các cấp đã nêu rất rõ, tất cả công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền tự ứng cử

Ông HẦU A LỀNH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.