Không cát cứ dữ liệu trong xây dựng chính phủ điện tử

20/08/2020 05:49 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu khi xây dựng chính phủ điện tử, các địa phương, bộ, ngành phải có thông tin dữ liệu thống nhất, theo tiêu chuẩn để chia sẻ, chứ không được cát cứ hay làm đẹp số liệu ngành mình để lấy thành tích.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp trên khi phát biểu tại lễ công bố dịch vụ công thứ 1.000 lên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và khai trương hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, diễn ra ngày 19.8.

3 dịch vụ giúp tiết kiệm thêm 2.000 tỉ đồng/năm

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, 3 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng DVCQG từ 19.8. Trong đó, dịch vụ thứ nhất là kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4; cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại TP.Hà Nội và TP.HCM. Ước tính, chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỉ đồng/năm. Dịch vụ này giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; chỉ cần đến cơ quan công an 1 lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Dịch vụ thứ 2 là liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và báo cáo tình hình thay đổi lao động. Dịch vụ này sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất). Chi phí tiết kiệm của xã hội tối thiểu khoảng hơn 344 tỉ đồng/năm.
Dịch vụ thứ 3 là nộp BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Dịch vụ này giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công cho việc thực hiện thủ tục và ước tính số tiền tiết kiệm của toàn xã hội hơn 1.329 tỉ đồng/năm. Như vậy, chỉ tính riêng việc đưa 3 dịch vụ này lên Cổng DVCQG đã giúp xã hội tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ đồng/năm.

Gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, năng suất lao động. Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong đó, thông tin dữ liệu phải thống nhất, theo tiêu chuẩn, được chia sẻ và hoạt động thông suốt.
Về Cổng DVCQG, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, học phí… với mục tiêu là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích; các bộ, cơ quan phải chuẩn hóa, điện tử hóa hơn 200 chế độ báo cáo gửi Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội để tích hợp với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành chuẩn hóa, số hóa kiểu mẫu kết nối tích hợp các chỉ tiêu KT-XH lên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Thủ tướng cũng lưu ý Văn phòng Chính phủ, các nhà mạng cung cấp hệ thống phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT-TT, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.