Không để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch T.Ư

26/12/2018 05:00 GMT+7

Không để lọt vào quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026 những người không đủ tiêu chuẩn.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn.
Giới thiệu 200 nhân sự quy hoạch T.Ư khóa XIII
Sáng 25.12, tại Hà Nội, hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng khóa XII đã khai mạc dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tại hội nghị lần này, T.Ư sẽ cho ý kiến về việc quy hoạch BCH T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của BCH T.Ư đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Quy hoạch BCH T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là “làm nhân sự” cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự BCH nhiệm kỳ XIII của Đảng. Vì thế, trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.
“Tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong BCH T.Ư, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt. Đồng thời, cần thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch; bổ sung những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào quy hoạch”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và đề nghị phải phát huy đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thực hiện kế hoạch của Bộ Chính trị, ngay trong tháng 11.2018, tất cả 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị được Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo phân bổ cơ cấu, số lượng đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao. Trên cơ sở danh sách gần 250 người được các địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện, giới thiệu, Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu để T.Ư cho ý kiến đối với hơn 200 người.
“Sau hội nghị T.Ư, căn cứ vào kết quả giới thiệu của T.Ư, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, của các ban Đảng và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định một bước quy hoạch BCH T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng thẩm quyền và các quy định của Đảng”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, sử dụng cán bộ

Về nội dung lấy phiếu tín nhiệm của BCH T.Ư Đảng đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cho biết: “Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một chủ trương mới, đúng đắn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của BCH T.Ư đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp những người được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - là những chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng.
“Bộ Chính trị đề nghị các đồng chí T.Ư phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu thật kỹ quy định và tờ trình của Bộ Chính trị, các báo cáo công tác của từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể hiện chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu, góp phần làm cho việc lấy phiếu lần này thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Lấy phiếu tín nhiệm 21 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Tại hội nghị lần này, T.Ư tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 lãnh đạo cấp cao, gồm 16 ủy viên Bộ Chính trị và 5 ủy viên Ban Bí thư. Có 3 trường hợp không đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm lần này. Cụ thể, trường hợp của 1 ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh Thế Huynh do đang trong thời gian nghỉ chữa bệnh dài ngày, từ đầu năm 2018. Hai ủy viên Ban Bí thư là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Cẩm Tú và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn vừa được T.Ư bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9.5 nên chưa đủ thời gian 1 năm để lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Quy định 262/2014 của BCH T.Ư về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, những người có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Trường hợp, có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi.
Đây là lần thứ 2, T.Ư lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với lãnh đạo cấp cao trong Đảng được BCH T.Ư khóa 11 thực hiện vào tháng 1.2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.