'Không một nền kinh tế nào mức sống như thế này mà GDP thấp như thế'

30/08/2019 11:25 GMT+7

“Không có một nền kinh tế nào mức sống như thế này mà GDP thấp như thế . Tính lại ta mới giật mình rằng GDP của chúng ta còn hơn cách mà chúng ta đang tính 25%”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.

Sáng 30.8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó nội dung đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong luật này được các đại biểu tranh cãi khá nhiều.
Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng trình bày đã đưa hộ kinh doanh vào luật, với lý do để hộ kinh doanh trong Nghị định 78/2015 như hiện hành có một số khiếm khuyết như: hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện...
Chính hạn chế này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh, không phát huy được hết lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, chủ trì phiên thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo lại đề nghị các đại biểu cân nhắc kỹ và cho ý kiến, bởi hiện hoạt động của hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế như về tính minh bạch, về thuế khoán, không đóng bảo hiểm cho người lao động,... nên nếu đưa vào luật sẽ không khuyến khích được họ chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Ngược lại, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc lại nhiệt liệt ủng hộ dự thảo luật lần này nói chung, quy định đưa hộ kinh doanh vào dự luật nói riêng, và cho rằng đây là một đạo luật “cách mạng, đột phá, không thể coi thường”, “được cộng đồng doanh nghiệp hết sức đồng tình”.
“Tôi muốn gọi đây là luật Doanh nghiệp thế hệ mới. Thế hệ thứ nhất, bao gồm cả luật hiện hành, chỉ cho 10% GDP - 700.000 doanh nghiệp tư nhân. 30% GDP khu vực tư nhân đóng góp (của hộ kinh doanh) thì lại không trong phạm vi điều chỉnh của luật", ông Lộc nói, đồng thời nhấn mạnh: "Không có một nền kinh tế nào mức sống như thế này mà GDP thấp như thế. Tính lại ta mới giật mình rằng GDP của chúng ta còn hơn cách mà chúng ta đang tính 25%. Do đó, chúng ta cần có pháp luật bao trùm hơn và đúng yêu cầu của Hiến pháp. Hộ kinh doanh là một chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam, dù ta chưa đưa vào luật”.
Hiện nay, hộ kinh doanh đang đóng góp 30% vào GDP, tạo việc làm cho 1,8 triệu người nhưng lại chỉ đóng góp 1,6% vào ngân sách.
Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện trạng “đứng ngoài pháp luật” của hộ kinh doanh khiến họ khó được đảm bảo quyền lợi: khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, không tiếp cận được tín dụng, rất khó đăng ký sở hữu trí tuệ... buộc phải đăng ký với tư cách cá nhân. Hiện cũng chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là có hộ kinh doanh, và sẽ rất bất lợi cho đối tượng này nếu giao dịch với đối tác nước ngoài, vì địa vị pháp lý hiện chỉ được quy định trong nghị định.

“Hộ kinh doanh đang nuôi bộ máy chính quyền địa phương”

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, “chính hộ kinh doanh hiện đang “nuôi” bộ máy chính quyền ở địa phương", nên đưa vào điều chỉnh ở luật Doanh nghiệp để công khai, minh bạch là rất tốt.
Ông Đặng Huy Đông băn khoăn giữa việc đưa hộ kinh doanh vào luật như dự thảo, hay đưa lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ với một chuẩn mực thấp hơn (đơn giản hơn về thủ tục giấy tờ, thuế) như ý kiến của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng.
Theo ông Đông, nếu đưa hộ kinh doanh vào một chuẩn mực minh bạch hơn, thì vừa giúp phân tích các chỉ số kinh tế tốt hơn, giúp thống kê tốt hơn về doanh nghiệp, lao động, thuế...
“Chính hộ kinh doanh hiện đang nuôi bộ máy chính quyền ở địa phương, phường và huyện. Chúng ta chỉ cần công khai minh bạch thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt. Hộ kinh doanh gần nhà tôi, kinh doanh karaoke, là ông ấy đi xe Rolls - Royce và cứ 1 tuần là ông ấy xách 1 va li tiền. Rất khủng khiếp. Thế thì ta phải quản lý chứ!”, ông Đông nói.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào luật và có hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn đối với đối tượng này sẽ giúp chống tham nhũng vặt.
Dẫn thực tế khu vực hộ kinh doanh chiếm đến 30% GDP mà chỉ đóng góp 1,6% cho ngân sách, theo ông Lộc, đây là "mảnh đất rất màu mỡ cho tham nhũng vặt, với sự tham gia của cán bộ thuế, cán bộ xã, phường”, và cho rằng các hộ kinh doanh cũng muốn minh bạch, có thể họ phải chi trả nhiều hơn, nhưng bớt các chi phí không chính thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.