Không nên ăn thịt thú rừng, vì sao? - Kỳ 1: Thủ phạm của thảm họa sinh thái

18/02/2012 03:41 GMT+7

Đây không phải là khuyến nghị đạo lý, mà là một cảnh báo “thực dụng” nhất: Ăn thịt thú rừng không những sẽ bị ung thư do thịt bị ngâm tẩm các hóa chất độc hại để giữ “tươi” giả tạo khi vận chuyển về thành phố, mà ngay cả thịt thú rừng tươi nguyên chất không ngâm tẩm gì cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe.

>> Kỳ 2: Mắc nhiều bệnh khó chữa

Trong khi không có một công trình khoa học nghiêm túc nào nói thịt thú rừng có lợi cho sức khỏe hơn thịt gia súc, gia cầm thì các tài liệu đông y trôi nổi và “lang băm” các loại lại đề cập một cách vô căn cứ những tác dụng chữa bệnh của thịt và các bộ phận của cơ thể thú rừng.

Sự cường điệu về tác dụng của sừng tê giác đã khiến cho tê giác ở Việt Nam tuyệt chủng. Sự cường điệu về tác dụng của cao hổ cốt đã khiến cho loài hổ sắp bị diệt vong. Các loài gấu, chồn cáo, các loài rắn và vô số các loài động vật hoang khác cũng đang chịu chung số phận, bất chấp Sách đỏ, bất chấp các đạo luật, bất chấp các biện pháp ngăn cấm, bất chấp tiếng kêu vô vọng của các nhà bảo vệ môi trường.

Càng ngăn cấm, thú rừng càng đắt giá. Càng đắt giá thú rừng càng mau bị tuyệt diệt. Chưa nói đến sự hủy diệt rừng cũng đang diễn ra cực kỳ nghiêm trọng, chỉ riêng việc hủy diệt thú rừng không thôi cũng đủ cho nước ta rơi vào một thảm họa sinh thái.

Chính các tài liệu đông y trôi nổi và các “lang băm” nói trên là thủ phạm của thảm họa sinh thái này. Điều lạ lùng là trong khi nhà nước cũng như các tổ chức xã hội dùng bao nhiêu luật, dùng bao nhiêu cuộc vận động đạo lý để kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, thì những tài liệu nói trên vẫn được lưu hành hợp pháp, thậm chí còn được đem ra giảng dạy ở các trường y.

Bởi vậy, để bảo vệ thú rừng, trước hết phải “lật tẩy” sự vô căn cứ của các sách vở đông y trôi nổi. Chúng tôi gọi “sách vở đông y trôi nổi”, vì chúng không có nguồn gốc rõ ràng.

Ngay cả những cuốn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh được cho là của danh y Lê Hữu Trác cũng có nhiều chi tiết đáng ngờ, nhất là phần lấy các bộ phận của động vật hoang dã làm thuốc, trong đó có tới 36 loài thú rừng hầu hết đều nằm trong Sách đỏ (chưa kể các loài chim). Sở dĩ nó “đáng ngờ” vì Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sống vào thế kỷ 18 (1720-1791), thời kỳ này không hề có chuyện sách vở bị ngoại xâm lấy đi hoặc tiêu hủy, nhưng mãi 100 năm sau khi ông mất, vào năm 1890 (thời vua Thành Thái), người ta mới phát hiện ra sách này và nói nó là của Hải Thượng Lãn Ông.

Một trong những lý do để người ta tin ngay đó là sách của Hải Thượng Lãn Ông mà không cần có nhiều khảo cứu là bởi nó được phát hiện trong một ngôi chùa (ở Bắc Ninh). Chùa thì ít khi cho ra đồ giả, nhưng “ít khi” không có nghĩa là hoàn toàn không. Ngày nay, người ta đã bắt đầu phát hiện trong cuốn sách này có nhiều bài thuốc rất phi lý, nhưng chưa ai đặt vấn đề khảo sát để gạn đục khơi trong cuốn sách đó. Có thể nhiều bài thuốc trong cuốn sách là của Hải Thượng Lãn Ông được ghi lại, nhưng có nhiều khả năng người ta thêm vào nhiều thứ khác nữa và gán luôn cho ông.

 
Nhân viên một quán nhậu ở Bình Phước đang làm thịt một con cheo bán cho khách  - Ảnh: Giang Phương

Còn cuốn Nam dược thần hiệu đang lưu hành (cũng có đề cập đến việc lấy các bộ phận cơ thể thú rừng làm thuốc) được gán cho Tuệ Tĩnh thì không thể tin được. Tuệ Tĩnh là một thiền sư, dù các thiền sư thời Trần có thể “uống rượu ăn thịt” phóng khoáng không câu nệ, nhưng không lý gì một thiền sư như Tuệ Tĩnh lại “phóng khoáng” tới mức khuyên người ta cầm dao mổ thú rừng để làm thuốc.

Hãy lùi về xa về nguồn cội. Cuốn sách y dược cổ nhất ngày nay chúng ta còn biết là cuốn Thần Nông bản thảo. Đây là cuốn sách nền tảng của cả nền y dược phương Đông. Sách này như tên gọi của nó (“bản thảo”), chỉ có thảo dược, hoàn toàn không có dược liệu từ thú rừng. Những sách y dược chân truyền các đời sau cũng vẫn vắng bóng thú rừng, trừ những bộ phận do chính động vật tự loại bỏ như xác ve, xác rắn hoặc bộ phận có thể tái sinh như gạc hươu gạc nai… Sách thuốc chân truyền cho đến thời nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, dù có bổ sung thêm rất nhiều loại dược liệu nhưng vẫn giữ nguyên tắc của “Thần nông bản thảo”, là không dùng các bộ phận của thú rừng. Những loại “thuốc” từ sừng tê giác, mật gấu, xương hổ... mãi đến thời nhà Minh, nhà Thanh người ta mới biết qua các sách gọi là cổ nhưng không rõ nguồn gốc hoặc được thêm thắt rồi gán cho các danh y như trường hợp sách của Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh ở ta.

Hiện nay bộ sách Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính của nhà Nguyễn còn truyền trong gia tộc, là tổng hợp những di sản chân truyền của người xưa cùng những khảo nghiệm công phu của các bậc chân y triều Nguyễn. Sách này ngoài thảo mộc, còn có sử dụng động vật làm thuốc nhưng chỉ sử dụng gia súc gia cầm và động vật xung quanh chân ruộng, hoàn toàn không sử dụng các bộ phận của thú rừng, trừ những bộ phận bị loại bỏ một cách tự nhiên hoặc có thể tái sinh như đã nói.

Chúng ta phải ngưỡng mộ và học hỏi các vua chúa nhà Nguyễn, bởi các vị không những không dùng các bộ phận thú rừng để chữa bệnh mà trong thực đơn cũng không bao giờ có thịt thú rừng. Cái gọi là “nem công chả phượng” trong món ăn cung đình Huế chỉ là sự tưởng tượng bịa đặt của ai đó. Ngay cả những con nai con hoẵng đi săn được, các vua Nguyễn cũng không ăn, nếu có thì chọn những con bị bắn nhưng không chết đem nuôi dưỡng bằng những cây cỏ quen thuộc với con người một thời gian dài mới đem ăn được.

Ngày nay, các quán thịt rừng đang mọc lên như nấm, khắp nơi khắp chốn, từ thành thị tới thôn quê. Sừng tê giác, cao hổ cốt, mật gấu, rắn ngâm rượu... được mua bán cho tặng tràn lan, từ các “đại gia” doanh nhân đến giới quan chức, từ trí thức tới bình dân. Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. (Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.