Hai hình ảnh đối lập trong đợt dịch Covid-19 mà rất nhiều bạn đọc bức xúc, đó là cảnh những “đoàn quân” áo trắng vất vả, hy sinh trên tuyến đầu chống dịch và những kẻ phá hoại: trốn cách ly, tụ tập đua xe, gây hấn, đánh bạc...
Thực trạng nói trên diễn ra nhiều nơi, và được Thanh Niên phản ánh khá đầy đủ trong bài viết Bất tuân quy định phòng dịch, không thể mãi nương tay!. Theo đó, nhóm PV Thanh Niên ghi nhận nhiều trường hợp điển hình ở: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng... có những hành vi gây ra nguy cơ phá hỏng mọi nỗ lực phòng chống dịch của xã hội: tụ tập đánh bạc trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch, tụ tập đua xe... (Đà Nẵng); từ tâm dịch ở Đà Nẵng về địa phương nhưng chậm khai báo y tế và không chấp hành việc cách ly (Thanh Hóa, Nghệ An...). Thậm chí, trang Facebook “Xe ké miền Trung” còn công khai đăng tải thông tin cung cấp dịch vụ cho những người muốn tìm xe từ Đà Nẵng để né dịch.
Vì ích kỷ, chừng nào cuộc sống mới bình yên?
Bạn đọc (BĐ) không ngần ngại dùng từ “ý thức kém” đối với những người có các hành vi nêu trên. “Một bên thì nỗ lực tối đa để ngăn chặn, dập dịch; còn một bên thì vì ích kỷ của bản thân mà ra sức phá hoại thì không biết đến khi nào cuộc sống mới trở lại yên bình đây”, BĐ Tân Khoa thẳng thắn.
BĐ Phạm Hùng cũng chỉ rõ: “Cứ tụ tập đông người, nhậu nhẹt ca hát thâu đêm suốt sáng, trong thời điểm bình thường cũng đủ ảnh hưởng đến người khác, chứ chưa nói đến đại dịch lần này” và đề nghị: “Từ phường, xã đến quận, huyện; từ T.Ư đến các địa phương, cần tập trung toàn quân, toàn dân xử lý triệt để các vi phạm; vừa giữ vững kỷ cương phép nước, vừa ngăn chặn dịch triệt để”.
Dẫn lại thông điệp mạnh mẽ, là tựa đề bài báo đã được đăng tải trên Thanh Niên, BĐ Nguyễn Phong khẳng định: “Hoàn toàn ủng hộ; không thể kêu gọi tự giác khi không có ý thức. Luật có rồi cứ theo luật mà xử; thậm chí xử lý hình sự nếu chống đối, gây hại cho nhiều người; có như thế thì chống dịch mới thành công, ổn định cuộc sống”.
Không để “lờn thuốc”
Đồng quan điểm với BĐ Nguyễn Phong, BĐ Minh Kha rất ủng hộ sự quyết liệt và mạnh tay của cơ quan chức năng và nhấn mạnh: “Những người vô ý thức này làm như vậy chẳng khác nào phá hỏng cả công sức của bao nhiêu người ngày đêm chống dịch. Phải mạnh tay xử lý thôi!”.
Để những kẻ vi phạm không “lờn mặt”, theo BĐ Lý Trường, vi phạm các quy định liên quan đến chống dịch, cần truy tố, khởi tố theo quy định pháp luật và công bố rộng rãi trên báo chí. Trong đợt dịch trong khoảng thời gian tháng 2 - 3.2020, cơ quan chức năng cũng đã xử lý một số trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, còn quá ít những vụ việc bị truy tố, nên ở đợt này, nhiều kẻ “lờn thuốc”. “Những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trên nên có biện pháp xử lý hình sự và ở mức cao mới ngăn ngừa, răn đe những đối tượng này được!”, BĐ Nguyễn Lan đề nghị.
Trong những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch mà Thanh Niên phản ánh, có một số người đổ cho hoàn cảnh cá nhân. Tuy nhiên, BĐ Dương Văn Tuấn cho rằng mọi hành vi né tránh quy định phòng chống dịch làm tăng nguy cơ phá hỏng nỗ lực phòng chống dịch của xã hội... là điều không thể chấp nhận, dù với lý do gì. “Tại sao họ cố tình làm thế? Vì ý thức kém hay có lối sống ích kỷ? Phải thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý hành chính, thậm chí truy tố hình sự”, BĐ Dương Văn Tuấn bày tỏ.
Cho đến giờ và tình hình hiện nay thì buộc phải xử lý cương quyết, nghiêm khắc mới đủ răn đe. Nếu không như vậy thì sẽ còn nhiều người xem thường, bất chấp các quy định phòng chống dịch.
Cuong SNC
Cũng cần nhấn mạnh, hành vi chỉ lối, dẫn đường cho người khác nhập cảnh trái phép là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đề nghị xử tù nặng với những phần tử này.
Nguyễn Thành Út
|
Bình luận (0)