'Không thể dùng lòng tốt khắc phục hậu quả thiên tai năm này qua năm khác'

03/11/2020 14:28 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm. Do vậy, không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm này qua năm khác.

Những hậu quả nặng nề của lũ lụt miền Trung thời gian qua vẫn là vấn đề làm nóng phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại nghị trường sáng 3.11.

Cần cơ chế khuyến khích trồng rừng đủ lớn

Từ thực tiễn tại quảng Nam cũng như miền Trung khi xảy ra thiên tai, lũ lụt thời gian qua, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề xuất cần có cơ chế chính sách khuyến khích trồng rừng đủ lớn, đặc biệt là trồng rừng thay thế tại các dự án hồ thủy điện, thủy lợi.
Đại biểu tỉnh Quảng Nam đề xuất cần hết sức quan tâm xem lại việc trồng rừng thay thế, bảo đảm nguyên tắc về vị trí trồng, bảo vệ phòng hộ. “Chúng ta thu hồi diện tích đất ở khu vực phòng hộ, trồng lại bảo đảm diện tích nhưng lại ở vị trí khác thì không có chức năng phòng hộ”, đại biểu Bình nói.
Đại biểu Bình cũng đề nghị rà soát để đảm bảo an toàn hồ đập và thông tin rộng rãi cho nhân dân yên tâm. “Vừa qua nhân dân rất bất an khi xảy ra thiên tai, lũ lụt ở vùng hạ du”, ông Bình nói.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng, nguyên nhân của việc sụt lở, ngập lụt kéo dài ở miền Trung thời gian qua “chắc chắn là do chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên làm lá chắn”.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại quốc hội ngày 3.11.2020

Theo đại biểu Thắng, câu chuyện hủy hoại thiên nhiên không còn là chuyện mới, xong nhìn lại ngập lụt, sạt lở vừa qua càng thấm thía hậu quả cho sự tàn phá này.
Ông Thắng nhận định, trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau; cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục nghìn ha rừng đầu nguồn mất đi.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, thủy điện có thể không gây ra lũ nhưng thủy điện góp phần làm mất rừng

Ảnh Gia Hân

“Chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, chắn giữ thiên tai khi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng hẹp đi”, đại biểu Thắng nhận định.
Theo ông Thắng, chính mất rừng, mất đất, khả năng thấp điều tiết nước tự nhiên từ thượng nguồn là nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất, lũ đi nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn. "Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tạo nên lũ dữ, tàn phá nặng nề hơn”, ông nói.
Từ đó, đại biểu Quảng Trị đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ, kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn và ảnh hướng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.
“Mỗi hành động tiên quyết, mạnh mẽ hôm nay dẫu phải hi sinh một phần kinh tế trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ giữ lại sự sống an toàn, cuộc sống mưu sinh cho hàng triệu người dân miền núi và vùng hạ du, không có thảm cảnh mỗi mùa mưa bão đến”, ông Thắng nhấn mạnh.

Độ che phủ rừng của Việt Nam gần 42%

Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích rừng của Việt Nam vào năm 1990 là 9 triệu ha với độ che phủ là 27%. Tới nay, diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu; độ che phủ là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%.
“Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị”, ông Cường khẳng định.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin với quốc hội về diện tích rừng của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận, trong 30 năm thì rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi sự tàn phá trong chiến tranh chống Mỹ. “Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước 2 triệu ha rừng miền Trung đã bị hủy hoại. Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải có thời gian từng bước”, Bộ trưởng Cường cho hay.
Không đồng tình với Bộ trưởng Cường về nhận định Chính phủ đã chỉ đạo hiệu quả việc che phủ rừng trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, các con số trên thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lụt, sạt lở ngày càng để lại hậu quả nặng nề hơn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT giải trình trước Quốc hội khẳng định, cả hệ thống nỗ lực rất lớn khi diện tích rừng của Việt Nam đạt 10,6 triệu ha, độ che phủ đạt gần 42%

Ảnh Gia Hân

Theo đại biểu Hiếu, thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lức nào trên dải đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi. Đại biểu An Giang rằng, chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện cóc tiếp tục được duy trì hoạt động thập chí được cấp phép mới thì sẽ còn xảy ra những đợt lũ lịch sử, những tang thương nữa.
“Chúng ta phải thay đổi cách làm, nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó vì thay đổi trên văn bản, chỉ đạo, nghị quyết thì chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy không dễ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: "Việt Nam sẽ có nhiều người tài giỏi, ngập tràn lòng trắc ẩn như Công Vinh - Thủy Tiên

Đại biểu Hiếu dẫn ví dụ về Philipines, quốc gia chịu nhiều bão nhất Đông Nam Á, đã giữ rừng già, giữ ngọn núi cao còn hơn con ngươi của mắt mình. “Họ biết đây là thành trì quan trọng nhất để giữ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 vừa qua đập vào những cánh rừng già, dãy núi của Philipine đã bị giảm cấp là một thí dụ rất rõ ràng”, ông Hiếu nêu.
Khẳng định Việt Nam sẽ có rất nhiều người trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng nhưng ngập tràn lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên, song đại biểu Hiếu cũng cho rằng, bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm. Do vậy, "không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm này qua năm khác".
“Chúng ta phải có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó phải được bàn bạc ở cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia các lĩnh vực”, đại biểu Hiếu nói, và dẫn chứng từ vấn đề vĩ mô như nguồn nước thuợng nguồn của dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây, vận hành các đập thủy điện cho tới việc cập nhật bản đồ sạt lở các tỉnh, thành phố trong cả nước, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung cho người dân tránh nạn khi lũ lụt...
“Có vậy, người dân, mà là những người nghèo yếu thế, các ngành chức năng, công an, y tế mới tránh được tổn thất mỗi khi thiên tai, lũ lụt ập về”, ông Hiếu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.