Người dân thờ ơ với mạng sống
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ phát triển nhà ở, chung cư tại TP tăng nhanh gấp 2 lần so với thời điểm 2009. Hiện TP có khoảng 1.200 chung cư, chiếm 14,6% tỷ lệ nhà ở trên địa bàn. Tuy nhiên trong đó có đến 474 chung cư cũ được xây dựng trước 1975, không có hệ thống PCCC đáp ứng đúng yêu cầu quy định, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ nguy hiểm.
Theo ông Hải, phát triển căn hộ chung cư là nhu cầu tất yếu trong việc phát triển đô thị. Các quy định của pháp luật về công tác PCCC, quản lý vận hành chung cư hiện khá đầy đủ nhưng qua kiểm tra, rất nhiều chủ đầu tư ngay từ các khâu cơ bản để bàn giao sử dụng công trình đã thực hiện không đúng quy định, thậm chí chưa nghiệm thu PCCC, về chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng. Hiện TP có 7 chung cư chưa nghiệm thu PCCC nhưng đã được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng không đúng tiêu chuẩn quy định, sử dụng không đúng công năng, trang bị không đầy đủ các hệ thống phòng chống cháy nổ… là những vấn đề thường xuyên mắc phải của nhiều chủ đầu tư. Tiếp đến, ban quản trị của chung cư là đơn vị quản lý trực tiếp, có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hệ thống an ninh an toàn, PCCC... nhưng có đến 50% số chung cư hiện nay chưa lập được ban quản trị.
Theo ông Hải, ý thức người dân sống tại chung cư hiện nay còn thấp, còn "thờ ơ với chính mạng sống của mình". Hầu hết các hộ đến nhận nhà đều không quan tâm đến hệ thống PCCC của khu vực mình sinh sống đã được nghiệm thu chưa, có đáp ứng đủ yêu cầu an ninh, an toàn hay không... Vấn đề quản lý nhà nước cũng còn nhiều thiếu sót khi chưa có chế tài, hệ thống xử phạt cụ thể.
“Một công trình chưa nghiệm thu nhưng đã đưa vào sử dụng, trước đây khi bị phát hiện chỉ bị phạt hành chính 75 triệu đồng, giờ có tăng lên nhưng cũng không đáng kể. Không có biện pháp chế tài đủ sức răn đe thì không thể loại bỏ tình trạng này”, ông Hải nói.
Bàn về giải pháp để đảm bảo an toàn, hạn chế cháy nổ tại các chung cư, ông Hải cho rằng đầu tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân hiểu rõ luật, tự ý thức quyền lợi đòi hỏi an toàn và trách nhiệm giữ an toàn cho bản thân cũng như mọi người xung quanh. Thứ hai, thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật từ khâu chọn chủ đầu tư đến công tác quản lý vận hành. Thực hiện nghiêm túc khâu kiểm tra, hậu kiểm và xử lý cương quyết các tình trạng vi phạm. Tiếp tục đẩy nhanh công tác cải tạo, sửa chữa, xây dựng chung cư mới thay thế các chung cư cũ đang ở tình trạng báo động. Trong thời gian chờ nâng cấp cần có các giải pháp tạm thời nhằm hạn chế cháy nổ, đảm bảo an toàn cho người dân. Sở Xây dựng TP.HCM cũng đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành các chế tài, hệ thống xử phạt cụ thể, quy trách nhiệm tới từng cơ quan trong vấn đề xây dựng, quản lý và vận hành chung cư.
Chung cư an toàn hơn nhà mặt đất?
|
Theo ông Quang, trong trường hợp chung cư Carina (Q.8), nơi vừa xảy ra vụ cháy, cũng đã được thẩm duyệt, nghiệm thu, thiết kế theo đúng tiêu chuẩn nhưng khi đưa vào sử dụng, yếu tố con người chấp hành không nghiêm ngặt, chủ đầu tư không tuân thủ đầy đủ quy định yêu cầu về PCCC nên khi xảy ra hỏa hoạn, mọi hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động… gần như không hoạt động.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, ý thức người dân cũng không chấp hành đầy đủ theo quy định. Điển hình tại vụ cháy Carina, toàn bộ hệ thống cửa cầu thang chống khói thoát hiểm không được đóng, khiến khói độc tràn vào, cầu thang thoát hiểm biến thành cầu thang tử nạn. Thực tế hiện nay tại nhiều chung cư, tình trạng câu mắc điện chằng chịt, sử dụng các thiết bị điện không an toàn, lấn chiếm hành lang, vô hiệu hóa tác dụng của thang thoát hiểm, hay thậm chí là trộm cắp các thiết bị PCCC… đang xảy ra phổ biến, gây rất nhiều nguy cơ mất an toàn khi xảy ra sự cố.
“Cơ quan PCCC có trách nhiệm thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm giám sát của chủ đầu tư và người dân, những người trực tiếp sử dụng hằng ngày, vận hành chung cư. Đối với các nhà chung cư, nếu tuân thủ đầy đủ các quy tắc thì dù cháy ở tầng hầm hay bất kỳ chỗ nào, việc xử lý rất nhanh và không gây hậu quả nghiêm trọng. Người dân không có ý thức thì ở nhà nào cũng cháy”, ông Quang nói.
Khách hàng tin tưởng dự án tốt
Để công tác phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả, đại diện của Tập đoàn Novaland cho rằng, cần trang bị hệ thống điều hành - quản lý PCCC qua máy tính; máy phát điện riêng phục vụ phụ tải cơ điện, đèn báo cháy, hút khói và tạo áp khu thang bộ trong trường hợp mất điện; thang máy cứu hộ chuyên dụng dành riêng cho lực lượng phòng cháy chữa cháy để lực lượng Cảnh sát PCCC có thể di chuyển tiếp cận đến vị trí có cháy một cách nhanh chóng…
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty LDG, cho biết đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để thuê 1 đơn vị viết một phần mềm hệ thống quản lý tòa nhà; nhập các thiết bị PCCC từ nước ngoài về. Hệ thống thực hiện 3 chức năng, trong đó có hỗ trợ phát hiện hệ thống rò rỉ điện, nâng mức an toàn trong khi quản lý vận hành tòa nhà chung cư thêm một bước bằng cách sử dụng công cụ hỗ trợ phát hiện sớm, cảnh báo sớm.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, một công ty đang triển khai rất nhiều chung cư, cho biết đối với những chung cư đã đi vào vận hành, chủ đầu tư đều bàn giao cho ban quản trị kiểm tra hệ thống kỹ thuật, PCCC, mời cả cư dân cùng cơ quan quản lý đến để đưa ra các giả định cháy nổ... Mới đây Hưng Thịnh đã đầu tư 3 tỉ đồng mua các bình chữa cháy mini tặng cho mỗi căn hộ, giúp cư dân có ý thức hơn về phòng chống cháy nổ.
Để hạn chế nguy cơ cháy tại các chung cư, Công ty Phúc Khang đã xây dựng các dự án của mình theo tiêu chuẩn xanh của Mỹ, nghĩa là toàn bộ tòa nhà được phủ cây xanh. Ngoài ra, các lối thoát hiểm, diện tích công cộng cũng được đầu tư khá nhiều để đảm bảo đủ điều kiện thoát hiểm của cư dân.
Kỹ năng ứng phó trong trường hợp cháy nổ tại chung cư, nhà cao tầng
Xây dựng thói quen quan sát đường thoát nạn, vị trí thoát nạn khi bước vào các khu chung cư, nhà cao tầng. Khi xảy ra sự cố, bình tĩnh tìm đến đường thoát nạn gần nhất, các phòng lánh nạn. Đối với các nhà cao tầng, thang bộ là lối thoát nạn duy nhất và sân thượng là khu vực lánh nạn an toàn. Trong tình huống bất khả kháng, khi các lối thoát nạn không an toàn, lập tức chạy vào bên trong căn hộ. Tại các căn hộ chung cư, trong thiết kế quy định cửa căn hộ là cửa chống cháy, vì vậy có tối thiểu 30 phút an toàn bên trong căn hộ. Việc đầu tiên cần làm là chống khói tràn vào căn hộ bằng cách sử dụng vật cản như chăn ướt chèn vào khe cửa . Sau đó chạy ra ban công, báo tín hiệu cho hệ thống cứu nạn cứu hộ.
Lưu ý các thang dây, thang móc… chỉ được sử dụng trong trường hợp không còn bất cứ đường thoát nào. Vội vã sử dụng trong khi chưa được tập huấn rất dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
(Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM)
|
Bình luận (0)