Và đạo diễn chính trong thương vụ này có phải là những người có chức quyền của Bộ Thông tin - Truyền thông?
Những khoản triệu USD không có thật
Ngày 25.12.2015, MobiFone ký hợp đồng với các cổ đông Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với tổng giá trị khoảng 8.889 tỉ đồng. Trong vòng 22 ngày sau đó, MobiFone đã thanh toán khoản tiền gần 8.445 tỉ đồng cho AVG.
Thương vụ mua bán cổ phần nêu trên được cho là xuất phát từ tháng 10.2014, khi AVG có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), mà thời điểm đó là ông Nguyễn Bắc Son, về việc doanh nghiệp (DN) này chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài. Trong đó có nội dung đi tới thống nhất đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần AVG để trở thành cổ đông chiến lược, giá mua bằng 7 lần giá vốn, tức vào khoảng 525 triệu USD, tương đương 75% cổ phần. AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu USD.
Theo yêu cầu của đoàn thanh tra, cả AVG và Bộ TT-TT đã không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng từ nào về việc AVG đàm phán với đối tác nước ngoài, cũng như nhận khoản đặt cọc 10 triệu USD. Như vậy để thấy các thông tin về việc chào bán cổ phần, giá trị DN của AVG từ thời điểm này đã không có thật.
Trở lại vụ việc trên, sau khi nhận công văn của AVG, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi Bộ Công an trao đổi để có căn cứ xem xét hướng dẫn AVG chuyển nhượng cổ phần. Ngày 8.12.2014, Bộ Công an có văn bản gửi Bộ TT-TT hướng dẫn AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước.
Ngày 1.12.2014, Bộ TT-TT đã ban hành Quyết định 1798 thành lập Tổng công ty viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động, bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh phát thanh truyền hình.
Chưa đầy 2 tháng sau đó, ngày 27.1.2015, ông Lê Nam Trà, quyền Chủ tịch HĐQT MobiFone đã có văn bản trình Bộ TT-TT xin phê duyệt đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Khoảng 1 tuần lễ sau đó, ngày 6.2.2015, Bộ TT-TT có Công văn số 408/BTTTT-QLDN thống nhất chủ trương theo đề xuất của MobiFone. Đến ngày 20.3, MobiFone và AVG bắt tay nhau ghi nhớ việc mua bán cổ phần.
Từ các mốc thời gian nêu trên dễ dàng nhận thấy ông Nguyễn Bắc Son đã ký quyết định bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh cho MobiFone sau khi xảy ra việc AVG chào bán cổ phần.
Sau đó, việc mua bán chuyển nhượng cổ phần có giá trị lên tới hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước bị phủ một tấm màn đen, theo kiểu danh mục tài liệu “mật”, đã chi phối toàn bộ quá trình đàm phán, đấu thầu, kể cả thẩm định giá, lẽ ra phải được thực hiện một cách công khai minh bạch. Phải chăng đây là một chiêu thức nhằm tạo điều kiện không ai biết, can thiệp vào việc MobiFone mua AVG với giá cao hơn giá trị thực cả hàng ngàn tỉ đồng?
|
Báo cáo gian dối, lạm quyền Thủ tướng
Những kịch bản trên đã được đạo diễn ngay từ đầu, do đó việc lạm quyền, phê duyệt sai chủ trương đầu tư của dự án cũng không có gì lạ. Và việc MobiFone dù biết tình hình kinh doanh của AVG rất xấu, rất yếu kém được báo cáo cho Bộ TT-TT, nhưng cũng không thoát được thương vụ “xương” này.
Diễn biến sau đó cho thấy, khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ TT-TT không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG. Thậm chí, ông Nguyễn Bắc Son còn “bút phê” cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (nay là bộ trưởng), lạm quyền ký luôn quyết định phê duyệt dự án thay cho Thủ tướng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm đề xuất đầu tư thì AVG đang thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, âm gần 50% vốn điều lệ, các số liệu, phương án trong kinh doanh hoàn toàn là giả định mơ hồ, thiếu thực tế, không thể đạt được trong môi trường cạnh tranh gay gắt về thị phần. Các số liệu về dự án này thiếu cơ sở, kết quả thẩm định giá của các đơn vị thẩm định thiếu căn cứ.
Tất cả thực trạng trên đã được MobiFone báo cáo Bộ TT-TT tại các văn bản số 5054/MOBIFONE ngày 14.9.2015, số 5441/MOBIFONE ngày 28.9.2015 và số 58/MOBIFONE ngày 25.9.2015 nhưng khi lập tổ thẩm định dự án đã không tôn trọng ý kiến của các thành viên trong tổ, thậm chí gạt bỏ ý kiến phản biện.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Bắc Son ký quyết định thành lập tổ thẩm định gồm 6 người. Tổ này họp vào ngày 8.10.2015, nhưng khi thanh tra cho thấy cuộc họp không ghi biên bản. Đáng lưu ý, 5 thành viên của tổ có báo cáo gửi tổ trưởng là ông Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN. Trong đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có bản nhận xét nêu 2 ý kiến, trong đó nổi bật là nội dung phân tích để lựa chọn phương án mua cổ phần AVG thay vì đầu tư mới còn sơ sài, chưa đầy đủ thông tin cụ thể, cũng như chưa phân tích, so sánh ưu nhược điểm từng phương án. Thứ hai, Phó cục trưởng Cục Báo chí ngày 15.10.2015 cũng có báo cáo nêu, dự án chưa có điều kiện đi sâu phân tích những lợi thế của AVG so với các DN nhà nước khác kinh doanh truyền hình. Đồng thời cảnh báo hiện có nhiều DN kinh doanh truyền hình đang thua lỗ và bị sụt giảm thị phần nghiêm trọng, dù tồn tại trên thị trường đã nhiều năm.
Tuy nhiên, tất cả ý kiến phản biện trên đã bị bỏ qua. Ngoài ra, Bộ TT-TT báo cáo nhiều nội dung của dự án không đúng, không đầy đủ, không khách quan với Chính phủ như: Việc đối tác nước ngoài mua AVG giá 700 triệu USD, đã đặt cọc 10 triệu USD; việc AVG sử dụng 4 băng tần có giá trị lớn và tạo ra lợi thế nhưng không được loại trừ ra khi định giá AVG...
Ngày 28.10.2015, ông Phạm Đình Trọng là tổ trưởng tổ thẩm định đã tham mưu để Bộ TT-TT ra Văn bản số 209/BTTTT-QLDN trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Trong đó ghi rõ: “Dự án đầu tư ra ngoài DN của MobiFone có mức đầu tư 8.900 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ” và kiến nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Theo quy định của khoản 2 điều 31 luật Đầu tư, dự án này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Theo biên bản làm việc giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành ngày 15.1.2016 thì Văn phòng Chính phủ khẳng định Văn bản số 2678/VPCP-ĐMDN trả lời Văn bản số 209 của Bộ TT-TT chỉ là sự đồng ý chủ trương về nguyên tắc chứ không phải quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Theo điều 34 của luật Đầu tư thì Bộ TT-TT phải lập dự án đầu tư trình Chính phủ để Bộ KH-ĐT và các cơ quan liên quan thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quyết định đầu tư. Bộ TT-TT chỉ căn cứ vào Văn bản 2678/VPCP-ĐMDN nêu trên để ban hành quyết định đầu tư là trái pháp luật.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trong Văn bản số 209 trình Thủ tướng Bộ TT-TT không đủ thẩm quyền, tuy nhiên, ngày 21.12.2015, ông Trương Minh Tuấn lại ký ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Quyết định này vi phạm quy định tại điều 31, điều 33 và điều 34 của luật Đầu tư; vi phạm điều 28 của luật số 69/2014/QH13. “Như vậy, Bộ TT-TT đã thiếu trách nhiệm, có biểu hiện cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt đầu tư”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Bình luận (0)