Kiểm toán chỉ rõ nhiều sai sót trong dự án BT của Hà Nội

17/10/2018 07:06 GMT+7

Chọn mẫu 3 dự án BT của Hà Nội để kiểm toán xác định giá trị hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước phát hiện giá trị hợp đồng chỉ bằng 39% giá trị ban đầu Hà Nội ký với nhà đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội, trong đó có nội dung đánh giá việc thực hiện một số hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 1.393 tỉ đồng, đồng thời chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập và sai sót qua thực hiện các dự án loại này của thành phố.
Thứ nhất, chỉ có 1/12 dự án trong giai đoạn 2013 - 2017 được Hà Nội thực hiện đấu thầu, còn lại 11/12 dự án là chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án.
Cơ chế giao đất ở dự án đối ứng của dự án BT cũng được cho là thực hiện chưa có sự thống nhất, việc triển khai thực hiện các dự án còn nhiều thay đổi về quy hoạch chi tiết. Giá đất được xác định không sát với giá thị trường, khu đất đối trừ được giao chỉ định trái luật Đất đai... tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.
Qua kiểm toán chọn mẫu 3 dự án BT để thực hiện xác định lại giá trị của hợp đồng BT cho thấy, giá trị hợp đồng BT của 3 dự án sau kiểm toán là 1.727,3 tỉ đồng, bằng 39% giá trị hợp đồng BT ban đầu (1.727,3 tỉ đồng/4.421,1 tỉ đồng) mà Hà Nội đã ký với các chủ đầu tư.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1.1.2018, kèm theo đó là việc đề nghị Hà Nội tạm dừng và rà soát lại việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khi tham dự một hội thảo do Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì vào đầu tháng 10 này cũng đã góp ý thành phố nên từ bỏ cơ chế BT, mang đất ra đấu thầu để tối đa hóa nguồn lực này. Thêm vào đó, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, qua thanh tra các dự án BT thì hầu hết làm sai luật Đất đai và luật Đấu thầu.
Năm 2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra một loạt dự án BT lớn của Hà Nội như Nhà máy nước Yên Sở, đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, nút giao thông Long Biên, đường liên tỉnh Hà Nội - Long Biên, đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ,... và đều phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính hàng ngàn tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước nhiều lần lên tiếng cần phải “cáo chung” cơ chế BT, vì nhà nước thiệt đơn thiệt kép khi xác định giá đất đổi cho nhà đầu tư thì thấp, nhưng giá trị dự án lại cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.