Kiến nghị điều tra việc 'trùm' cờ bạc đưa triệu USD cho tướng công an

13/03/2019 05:00 GMT+7

TAND cấp cao tại Hà Nội kiến nghị Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục làm rõ hành vi nhận hối lộ, bao gồm tiền USD và đồng hồ Rolex cho tướng công an.

Bên cạnh việc không giảm án cho các bị cáo đầu vụ, TAND cấp cao tại Hà Nội kiến nghị Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục làm rõ hành vi nhận hối lộ, bao gồm tiền USD và đồng hồ Rolex của một số cán bộ từng công tác trong Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

Không giảm án cho hai bị cáo “đầu vụ”

Ngày 12.3, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến 2 cựu tướng công an. Theo đó, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo và xem xét giảm hình phạt tù cho 13 trong tổng số 35 bị cáo có đơn kháng cáo. Đáng chú ý, tòa phúc thẩm giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm, không chấp nhận các kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, có liên quan đến 82 bị cáo trong vụ án.
Với phán quyết này, các bị cáo được xác định cầm đầu trong vụ án như Nguyễn Văn Dương, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC); Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online)… không được giảm án.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh (trái) và Nguyễn Thanh Hóa tại phiên tòa sơ thẩm	Ảnh: Thái Sơn
Bị cáo Phan Văn Vĩnh (trái) và Nguyễn Thanh Hóa tại phiên tòa sơ thẩm Ảnh: Thái Sơn
Theo HĐXX, xét nội dung kháng nghị phạm tội có tổ chức, HĐXX nhận định đây là hình thức phạm tội có đồng phạm, số lượng phải từ 2 người trở lên. Trường hợp có đồng phạm phải phân biệt được đồng phạm giản đơn và đồng phạm có tổ chức (phản ánh rõ nét sự cầm đầu, chủ mưu, núp dưới danh nghĩa hợp pháp để hoạt động). Vụ án có nhiều đối tượng tham gia, trong đó Nguyễn Văn Dương đóng vai trò quan trọng nhất, lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong để che chắn cho tổ chức game bài; lôi kéo nhiều đối tượng tham gia cùng thực hiện. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận nội dung kháng nghị này.
HĐXX phúc thẩm cũng cho rằng số tiền các bị cáo nộp lại, bị tạm giữ, bị phong tỏa... trong vụ án đều xuất phát từ hành vi phạm tội, do đó không thể coi là các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả được quy định tại điểm b, khoản 1, điều 46, bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, và phải tịch thu vào ngân sách nhà nước.
Do đó, tòa phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng nghị người phạm tội nộp lại tiền tự nguyện khắc phục hậu quả được cho là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, HĐXX cũng ghi nhận việc các bị cáo tự giác giao nộp phần lớn các khoản tiền có được từ hành vi phạm tội là thể hiện thái độ ăn năn hối cải, chấp hành pháp luật và được coi là tình tiết giảm nhẹ khác được quy định tại bộ luật Hình sự.

Làm rõ các khoản hối lộ hàng triệu USD, đồng hồ Rolex

Trong phần kiến nghị về vụ án, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng trong bản án phúc thẩm cần thiết nêu lại nội dung 12 kiến nghị trong bản án sơ thẩm đã đưa ra để các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vụ án giai đoạn tiếp theo và làm căn cứ hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.
Các kiến nghị này, gồm: Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng, các nhân viên có liên quan trong việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản cá nhân với số lượng rất lớn, để các đối tượng trong vụ án lợi dụng thanh toán doanh thu tổ chức đánh bạc.
Từ đó, tìm ra kẽ hở để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục. Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án đối với Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông, Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Sài Gòn Anpha có liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, nếu có hành vi vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ trách nhiệm của cá nhân thuộc các đơn vị ở Bộ TT-TT và các cơ quan liên quan có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, internet, nhưng không kiểm tra, phát hiện kịp thời; khi phát hiện thì không kiên quyết xử lý để các đối tượng lợi dụng tổ chức đánh bạc trực tuyến trong thời gian dài từ năm 2015 - 2017 gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Đáng chú ý, HĐXX kiến nghị Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ lời khai của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương về việc đưa tiền, của cải vật chất cho các cán bộ từng công tác trong lực lượng của Bộ Công an; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội, nếu có đủ dấu hiệu của tội nhận hối lộ thì cần xử lý theo luật định.
Trong quá trình điều tra giai đoạn 1, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, 27 tỉ đồng và 1,7 triệu USD. Ngoài ra, Dương còn chi tiền tết cho ông Vĩnh 150.000 USD, tặng đồng hồ Rolex trị giá nhiều ngàn USD. Dương cũng khai đã đưa ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), 22 tỉ đồng và ủng hộ C50 bộ phần mềm giá 30.000 USD. Dương cũng khai cho C50 hơn 800 triệu đồng, trong đó hỗ trợ tết là 700 triệu đồng. Ngoài ra, đưa nhiều khoản tiền cho các cán bộ một số cơ quan chức năng khác.
Đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, TP do Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm lợi dụng công nghệ cao với sự giúp đỡ của một số người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước.
Sau hơn 28 tháng hoạt động, từ tháng 4.2015 - 8.2017, đường dây này đã thu hút được gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến.
Tổng số tiền thu lợi bất chính trong vụ án này là hơn 9.800 tỉ đồng. Trong giai đoạn 1 vụ án, các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đã truy tố, xét xử đối với 92 bị cáo. Trong số này, bị cáo Phan Văn Vĩnh bị tuyên phạt 9 năm tù, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa bị tuyên phạt 10 năm tù, cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị cáo Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương lần lượt lĩnh án 5 năm và 10 năm tù về 2 tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.