Kiến nghị xử lý hành vi thiếu trách nhiệm của Ban Giám đốc Sở GD-ĐT Hoà Bình

30/09/2019 16:39 GMT+7

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho rằng, cả Ban Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng nhiệm vụ và để xảy ra vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Liên quan đến vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ngoài xác định trách nhiệm hình sự của 15 bị can trong vụ án, còn kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm của nhiều người có liên quan.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình xin lỗi vì vụ án gian lận thi cử - Video tư liệu

Bản kết luận điều tra này nêu rõ: Ban Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, gồm: ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc, Phó trưởng ban Thường trực, Chủ tịch Hội đồng thi; ông Nguyễn Đức Lương, Phó giám đốc, Phó trưởng ban, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi; bà Đinh Thị Hường, Phó giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban làm phách, tuy không liên quan đến việc can thiệp nâng điểm thi nhưng đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, buông lỏng kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới.
Hành vi kể trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan chức năng xử lý về hành chính.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng xác định 8 người khác là cán bộ của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình thực hiện vai trò thanh tra công tác chấm thi đã “thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát” nên sẽ kiến nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh theo quy định.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình: “Tôi đã tin tưởng anh em“ - Video tư liệu

Theo kết luận điều tra, trong số 41 giám khảo chấm thi tự luận môn ngữ văn, xác định có 23 giám khảo chấm trái với quy chế thi. Đặc biệt, có 18 giám khảo, gồm: Hoàng Thị Hợp, Bùi Minh Huệ, Phạm Đình Lương, Nguyễn Duy Hải, Đoàn Thị Loan, Quách Thị Tú, Nguyễn Thị Nguyệt, Đinh Công Thìn, Lê Thị Hạnh, Bùi Thị Thu Hiền, Vũ Thị Hiền, Bạch Thị Thảo, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Thị Lan Phương, Bạch Thị Hữu, Lương Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Vinh, Phạm Thị Minh Hòa đã có hành vi nhận mã phách, trực tiếp chấm nâng điểm và ký hợp thức 20 bài thi tự luận môn ngữ văn cho 20 thí sinh, vi phạm điều 25 Quy chế thi (quy trình chấm thi) và điểm c, điều 48 Quy chế thi (gian lận khi chấm thi).
Các giám khảo này có dấu hiệu đồng phạm với các bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, các giáo viên thực hiện hành vi sai phạm không vì động cơ vụ lợi cá nhân, làm theo sự chỉ đạo của các tổ trưởng tổ chấm thi, thậm chí cá biệt có trường hợp bị ép buộc; hành vi sai phạm lần đầu, có mức độ; hậu quả xảy ra (bài thi được can thiệp nâng điểm) đã xác định trách nhiệm chính thuộc về các bị can Diệp Thị Hồng Liên, Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung và Bùi Thanh Trà.
“Các giáo viên này có năng lực chuyên môn tốt, là nhân lực cần thiết cho ngành giáo dục, sau khi xảy ra sai phạm đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án. Do vậy, không cần thiết phải xử lý hình sự, sẽ kiến nghị xử lý hành chính”, kết luận của Cơ quan An ninh điều tra nêu.
Trong vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 15 bị can về các tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ và đưa hối lộ. Các bị can này đã lợi dụng chức vụ được giao để can thiệp, nâng điểm thi cho 65 thí sinh (64 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018, 1 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2017).
Các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. Trong đó, 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (45 thí sinh trúng tuyển đã bị buộc thôi học, 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển, 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển); 3 thí sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.