Bán hàng đa cấp ở nước ngoài là một phương thức kinh doanh tiến bộ, hiện đại nhưng khi “du nhập” VN đã biến tướng, gắn với một số vụ lừa đảo, tai tiếng.
Để tạo “vỏ bọc” cho hoạt động bán hàng đa cấp, Lê Xuân Giang (mặc quân phục) trắng trợn làm giả cả lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng nhằm mục đích lừa đảo - Ảnh chụp lại từ hồ sơ của công an |
Lách luật
Theo đại úy Nguyễn Nam Hào - Cơ quan CSĐT Bộ Công an, hoạt động bán hàng đa cấp (ĐC) là hoạt động được phép tại VN và Chính phủ có Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng ĐC. Doanh nghiệp (DN) bán hàng ĐC là DN có tiến hành hoạt động kinh doanh (KD) bán lẻ theo phương thức ĐC.
KD theo phương thức ĐC là hình thức KD thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động KD của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Bán hàng ĐC được thực hiện đối với tất cả các loại hàng hóa, trừ những hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm KD, danh mục hàng hóa hạn chế KD, hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông hoặc tạm ngừng lưu thông theo quy định của pháp luật, hàng hóa là thuốc, trang thiết bị y tế…
Mô hình bán hàng ĐC là một xu thế phân phối sản phẩm tiến bộ, hiện đại trên thế giới, mang lại nhiều giá trị và tính ưu việt cho người tiêu dùng, nên từ năm 2005, Nhà nước đã thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động bán hàng ĐC. Tuy nhiên, trong việc quản lý còn nhiều lỏng lẻo, nên các DN lợi dụng, lách luật để hoạt động.
Viễn cảnh giàu sang
Ông Nguyễn Việt Khoa, Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học kinh tế TP.HCM, nêu quan điểm: ĐC là hình thức KD sáng tạo của nhân loại. Người mua hàng trực tiếp tham gia vào các hoạt động KD; hạn chế tối đa về các chi phí phân phối, quảng cáo. Tuy nhiên, khi du nhập vào VN thì biến tướng hoàn toàn; không thực hiện đúng quy định về KDĐC và có một số vụ trở thành lừa đảo. Trong những vụ mang tính lừa đảo, ông Khoa cho rằng, người lừa đảo vẽ lên viễn cảnh về sản phẩm; cố tình gây ra sự nhầm lẫn về công ty hoặc dựa vào các thông tin công bố sản phẩm của cơ quan chức năng; lôi kéo những người thành đạt tham gia; tìm mọi cách mua chuộc một số người có chức vụ, uy tín trong các công ty, trong xã hội... Ông Khoa cũng cho rằng, luật pháp có quy định khá đầy đủ, tuy nhiên quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này chưa tốt.
|
Còn luật sư (LS) Phạm Hoài Nam (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, về cơ bản mô hình KDĐC ở các nước trên thế giới khá hiện đại. Theo đó, tạo ra hệ thống bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng thông qua việc người giới thiệu người cùng mua hàng và cùng chia sẽ lợi ích, giảm thiểu tối đa giá thành sản phẩm bởi không phải thông qua việc KD truyền thống như tốn chi phí vận chuyển, cửa hàng, quảng cáo... Tuy nhiên khi du nhập vào VN thì bị biến tướng. Đánh vào tâm lý hám giàu và muốn giàu nhanh của người Việt, một số kẻ đã lôi kéo nhiều người tham gia nhưng thực tế không KD sản phẩm gì hoặc nếu có thì chỉ là những sản phẩm không có chất lượng, không rõ nguồn gốc.
“Đa số các công ty ĐC đều kêu gọi thành viên đầu tư tiền và hưởng lợi. Nhiều người hám lợi một cách mù quáng đã đổ tiền vào những công ty này và không kiểm soát được dòng tiền đầu tư. Ví dụ bản thân tôi cũng từng bị họ chào mời. Một ngày đẹp trời, có người rỉ vào tai tôi về một cơ hội làm giàu không tưởng, rằng cứ tham gia thành viên, đầu tư, KDĐC rồi người khác sẽ mang tiền tới cho mình xài, chẳng mấy chốc sẽ thành tỉ phú… Tôi thường tự đặt câu hỏi không biết họ dùng chiêu trò kiểu gì mà nhiều người lao vào như con thiêu thân và mơ về giấc mộng giàu sang như vậy”, LS Nam nói.
“Có lẽ quả bóng cứ phải bơm căng rồi mới chịu nổ. Dàn lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt bị bắt cũng là hồi chuông cảnh cáo chung cho các loại hình KD đa cấp biến tướng ở VN hiện nay”, LS Nam nhấn mạnh.
Một lãnh đạo của Cục Cảnh sát sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển theo nền kinh tế thị trường, thay vì ngăn cản, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hạn chế bất cập từ hoạt động KDĐC, bằng cách tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động ĐC tại địa phương; thông tin, tuyên truyền cho người dân nắm rõ quy định của pháp luật đối với hoạt động bán hàng ĐC. Các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất để xử lý kịp thời vi phạm khi thiệt hại chưa lớn. Đặc biệt, các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về KDĐC. Cần chặt chẽ hơn trong việc cấp phép cho các DN KD loại hình này.
|
Bình luận (0)