Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Mua vật chứng ở chợ đưa vào hồ sơ vụ án

03/12/2019 05:58 GMT+7

Theo hồ sơ vụ án, khi được CQĐT yêu cầu, ông Nguyễn Văn Thu ra chợ mua một con dao khác để thay vào.

Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ rõ hàng loạt mâu thuẫn trong chứng cứ trực tiếp chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội “giết người”, “cướp tài sản” và những vi phạm tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến căn cứ buộc tội.

Vật chứng gây án đem tiêu hủy, không thu giữ

Theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao (gọi tắt VKS tối cao), trong hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải, cáo trạng xác định khoảng sau 20 giờ 30 ngày 13.1.2008, Hải dùng thớt đánh vào mặt; dùng dao giết nạn nhân N.T.A.H; dùng ghế xếp bằng inox, dao giết nạn nhân N.T.T.V. Như vậy, thớt, dao, ghế là vật chứng quan trọng, mang dấu vết của tội phạm. Khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh những vật chứng này nhưng không được thu giữ để truy nguyên, và sau đó CQĐT có động thái cho người mua mới những vật chứng này để bổ sung, đưa vào hồ sơ vụ án.

Bản vẽ mô phỏng con dao được người dọn hiện trường mua mới

Ảnh: Hoàng Phương

Cụ thể, dựa trên lời khai của một số người dọn dẹp hiện trường là các ông Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tuấn Ngọc, ngày 14.1.2008, trong lúc tham gia dọn dẹp hiện trường những người này đã phát hiện một con dao rất mới và sạch, không có dấu vết, được đút vào sau tấm bảng treo đối diện cầu thang nhà bếp, gần chỗ 2 nạn nhân bị giết. Sự việc được báo cho công an xã và huyện nhưng công an bảo rằng “chắc không có gì đâu, bỏ đi”. Vì vậy họ đã dùng con dao đó để cạo vết máu còn dính trên nền gạch rồi đem dao đi đốt bỏ. Ngày hôm sau, công an cho tìm lại con dao này nhưng không tìm được, kể cả phần lưỡi dao bằng kim loại.
Theo hồ sơ vụ án, khi được CQĐT yêu cầu, ông Nguyễn Văn Thu ra chợ mua một con dao khác để thay vào. Ông này từng khẳng định: “Tôi xác định con dao này là do tôi mua, giao nộp cho công an”. Biên bản và bản vẽ mô phỏng con dao do ông Thu mua mới, giao nộp cho CQĐT được lập ngày 21.3.2008. Về chi tiết này, kháng nghị của VKS tối cao chỉ rõ: Bản vẽ con dao cũng do CQĐT vẽ trước và không phải do chính những người trên vẽ ra. Quá trình điều tra, Hải cũng không tự vẽ con dao; việc nhận dạng con dao là do điều tra viên vẽ trước rồi đưa Hải nhận dạng. Tương tự, tấm thớt được cho là vật chứng mà Hồ Duy Hải dùng để đập đầu nạn nhân N.T.A.H, cũng không được CQĐT thu giữ khi khám nghiệm hiện trường. Hơn 5 tháng sau, theo yêu cầu của CQĐT, ngày 24.6.2008, bà Lê Thị Thu Hiếu (bạn của 2 nạn nhân) mới đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho CQĐT để làm vật mô phỏng.
Bên cạnh đó, theo kháng nghị của VKS tối cao, đối với chiếc ghế xếp bằng inox, Hải khai dùng đập vào đầu nạn nhân N.T.T.V, biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận ghế có mã số HPN2 447052. Nhưng thời điểm đó, CQĐT cũng không thu giữ vật chứng này. Mãi hơn 2 tháng sau, CQĐT thu giữ một chiếc ghế inox hiệu Hòa Phát có mã số hoàn toàn khác, là HPM2 44705.

“Thời gian kéo dài, giám định không ra vân tay là đương nhiên” (!?)

Dấu vết vân tay là chứng cứ ngoại phạm quan trọng  

Ông Nguyễn Nhứt (điều tra viên cao cấp CQĐT VKS tối cao) phân tích: Vết máu có dấu vân tay thu giữ tại hiện trường rất quan trọng. Kết luận giám định sẽ là chứng cứ chứng minh tội phạm hoặc được dùng làm chứng cứ ngoại phạm đối với người liên quan. Vì vậy, kết luận giám định nêu rõ dấu vết vân tay thu giữ tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải nhưng cơ quan tố tụng vẫn dùng để lập luận, kết tội Hồ Duy Hải là vi phạm nghiêm trọng. “Vụ án được Viện trưởng VKS tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy án, điều tra lại, nhưng nếu điều tra lại, liệu dấu vết lâu ngày này có còn đủ dữ liệu, điều kiện giám định hay không cũng là vấn đề”, ông Nhứt nêu.
Luật sư (LS) từng bào chữa cho Hồ Duy Hải, cho biết không biết và không có bản khai ngày 20.3.2008 (bản khai đầu tiên của Hải - PV). LS này khẳng định, tài liệu mà LS sao chụp được cho thấy, Hải có bản tường trình đầu tiên vào ngày 21.3.2008, sau khi Hải bị tạm giam. Còn theo diễn biến vụ việc mà gia đình Hải thuật lại với LS, sáng 20.3.2008, Hải được Công an tỉnh Long An mời lên làm việc về hành vi cá độ; chiều cùng ngày, Hải được thả về. Ngày 21.3.2008, Hải tiếp tục lên làm việc và bị bắt giữ vào cùng ngày.
 
Một chứng cứ trực tiếp khác của vụ án, theo kháng nghị, là vết máu có dấu vân tay được CQĐT thu giữ tại hiện trường. Theo đó, khi giám định, cơ quan giám định kết luận không phải của Hồ Duy Hải nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn kết tội Hải và tuyên bị cáo này án tử hình. Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án, sau khi cắt cổ 2 nạn nhân, Hải ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa dao cho sạch máu. Khám nghiệm hiện trường thu giữ một số dấu vết “đường vân tay ở mặt trong của kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo”. Tuy nhiên, bản Kết luận giám định số 158 ngày 11.4.2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ghi rõ: “Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án, không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”. Thế nhưng khi xét xử, tòa nhận định vết máu thu giữ không đủ lượng, thời gian để kéo dài (thu giữ ngày 14.1.2008, đưa đi giám định ngày 7.4.2008) nên không xác định được vết vân tay là đương nhiên. Về bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải vào ngày 20.3.2008, theo kháng nghị giám đốc thẩm của VKS tối cao, Hải không nhận tội nhưng bản khai này không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.