Đơn vị đưa ra lời đề nghị lạ lùng này là Công ty cổ phần đầu tư Thanh Hoa (gọi tắt là công ty Thanh Hoa, chủ đầu tư dự án thủy điện Khe Giông, X.Húc, H.Hướng Hóa).
Theo văn bản do đích thân ông Đậu Hải Thanh (Giám đốc công ty ký), công ty này phân bua rằng do chưa nắm vững các thủ tục về đăng ký bảo lãnh đối với chuyên gia nước ngoài làm việc tại VN nên chưa đăng ký cho các chuyên gia Trung Quốc qua chuyển giao công nghệ tại dự án.
|
Sau đó, Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện vụ việc và có quyết định xử phạt hành chính đối với 2 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại dự án là Fan Hao (31 tuổi, hộ chiếu số G29961459) và Zeng Rong (28 tuổi, hộ chiếu số E09258647).
Chính vì thế, công ty này mong UBND tỉnh Quảng Trị không xử phạt hành chính đối với 2 chuyên gia Trung Quốc. Chưa hết, công ty này còn muốn tỉnh Quảng Trị cho các chuyên gia này tiếp tục làm việc tại dự án thủy điện Khe Giông đến ngày 5.8.2016. Lý do, theo lập luận của công ty này: “Việc xử phạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án, uy tín của chủ đầu tư vì các chuyên gia Trung Quốc đang trong quá trình nghiệm thu, chuyển giao công nghệ cho công ty”.
Thủy điện Khe Giông có công suất 4,5 MW, tổng mức đầu tư hơn 137 tỉ đồng, được UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 28.5.2009. Theo công ty trên, đến nay dự án cơ bản hoàn thiện các bước để hòa lưới điện Quốc gia vào tháng 7.2016.
Đề nghị trái pháp luật!
Đó là khẳng định của lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Quảng Trị) và Sở Lao động- thương binh - xã hội tỉnh Quảng Trị khi được hỏi về tính pháp lý của đề nghị trong văn bản mà Công ty Thanh Hoa gửi UBND tỉnh Quảng Trị nêu trên.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 20.7, thượng tá Nguyễn Năng Đơn, Phó phòng quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Quảng Trị) cho hay việc các lao động Trung Quốc làm việc “chui” tại công trình thủy điện Khe Giông bị đơn vị phát giác từ ngày 9.6 (sử dụng visa du lịch nhưng đi làm việc). Từ đó đến nay, phòng đã 3 lần lập biên bản về các vi phạm nêu trên đối với các lao động này nhưng phía các lao động và đơn vị sử dụng lao động (Công ty Thanh Hoa) luôn vòng vo, chống đối, không chấp hành thậm chí còn lôi “quan hệ” ra dọa dẫm.
“Chúng tôi thực sự đã rất nương tay khi xử lý và hướng dẫn họ các bước để làm đúng thủ tục trong việc nhập cảnh, sử dụng lao động phù hợp với pháp luật Việt Nam nhưng họ không làm”, thượng tá Đơn nói.
Đến ngày 14.7, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 lao động Trung Quốc nêu trên mỗi người 20 triệu đồng, đồng thời rút ngắn thời hạn tạm trú, buộc xuất cảnh vì hành vi “Nhập cảnh hành nghề, có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền” theo điểm B, khoản 5, điều 17 Nghị định 167/2013.
Cũng theo thượng tá Đơn, ngoài 2 lao động bị xử phạt trên, còn có 2 lao động người Trung Quốc khác làm việc tại nhà máy thủy điện này bị phát hiện nhưng đã bỏ trốn nên đơn vị đã báo với Bộ Công an đưa 2 người này vào điện chú ý duyệt (bị kiểm tra kỹ hơn khi muốn nhập cảnh vào VN). Ngoài ra, trung tá Đơn còn cho biết đang lưu ý đến việc truy trách nhiệm của công ty đã sử dụng số lao động trái phép này.
|
Tương tự, ông Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị cho hay: “Theo quy định, muốn sử dụng lao động nước ngoài thì doanh nghiệp phải có công văn gửi UBND tỉnh trong đó nêu rõ vị trí làm việc của lao động này. Nếu ví trị đó Việt Nam không đáp ứng được thì tỉnh mới đồng ý cho sử dụng lao động. Trường hợp của Công ty Thanh Hoa họ không hề có văn bản nào cho UBND tỉnh và Sở LĐ-TB-XH về việc sử dụng lao động Trung Quốc cả”.
Theo ông Tuấn Anh, việc sử dụng lao động Trung Quốc của Công ty Thanh Hoa sai đã rõ và văn bản đề nghị UBND tỉnh của họ vừa gửi lại càng sai. “Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, nếu được UBND tỉnh yêu cầu, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý việc này theo đúng quy định pháp luật”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh còn cho biết tới đây sẽ chỉ đạo Phòng Việc làm của Sở cùng với cơ quan chức năng lập đoàn kiểm tra việc sử dụng lao động nước ngoài tại dự án thủy điện Khe Giông. “Chúng tôi sẽ tư vấn cho họ, nếu họ tiếp tục sai sẽ có chế tài thích hợp”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Theo thượng tá Nguyễn Năng Đơn, tại nhiều công trình thủy điện tại Quảng Trị việc sử dụng các lao động người Trung Quốc trái phép không phải là chuyện hiếm và đơn vị đã nhiều lần nhắc nhở, xử phạt nhưng các doanh nghiệp vẫn có tình vi phạm. “Các lao động thường chỉ có visa theo diện du lịch. Phần nhiều là vì các doanh nghiệp không làm đúng thủ tục vì sợ mất thời gian, tốn kém và sợ trách nhiệm khi lỡ các lao động này gặp sự cố”, ông Đơn nói. |
Bình luận (0)