Trong khi Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ “đầu độc” làm chết hơn 10 ha rừng thông gần 20 năm tuổi tại xã Tân Thanh (H.Lâm Hà, Lâm Đồng), thì cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện những vụ triệt hạ rừng thông, phá rừng tại Lâm Hà.
Cưa hạ thông cách đội quản lý rừng 150 m!
Sáng 15.5 ông Nguyễn Phúc Thái, Chủ tịch UBND TT.Nam Ban (Lâm Hà), cho biết rạng sáng 14.5, trên địa bàn TT.Nam Ban xảy ra vụ cưa hạ rừng thông 20 năm tuổi, nhưng chính quyền và Ban Quản lý (BQL) rừng vẫn chưa xác định được những kẻ phá rừng.
Theo ông Thái, việc cưa hạ rừng xảy ra khoảng 2 giờ ngày 14.5 tại tiểu khu (TK) 263B, cạnh đường ĐT725 từ TP.Đà Lạt đi TT.Đinh Văn (Lâm Hà), cách Trạm quản lý bảo vệ rừng Đội số 4, thuộc BQL rừng phòng hộ Lâm Hà khoảng 150 m.
|
Ông Trần Minh Đăng, cán bộ quản lý bảo vệ rừng địa bàn, cho biết lúc 12 giờ đêm, lực lượng quản lý còn tuần tra, thì 2 giờ sáng rừng thông bị cưa hạ. Khi nghe tiếng máy cưa, các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng chạy đến ngay, nhưng những kẻ phá rừng đã lái xe rời hiện trường. Việc phá rừng này nhằm mục đích chiếm đất, khi mà giá trị đất ở dọc theo trục đường ĐT725, đoạn qua địa bàn TT.Nam Ban tăng cao.
|
Ông Thái cho biết thêm, khu rừng thông dọc đường ĐT725 nhiều lần bị lâm tặc cưa hạ chớp nhoáng nên không xác định được thủ phạm. Ngày 14.5, các cơ quan chức năng đã đến hiện trường lập biên bản vụ việc, theo đó có 7 cây thông 20 năm tuổi bị cưa hạ, khối lượng gỗ trên 1,1 m3. Vụ việc đã được UBND TT.Nam Ban báo cáo lên cấp trên.
Phá rừng, san ủi hàng ngàn mét vuông đất lâm nghiệp
Trước đó, tại khu vực đồi thông thuộc địa bàn thôn 4 và thôn 5 xã Gia Lâm (Lâm Hà) cũng xảy ra phá rừng. Hàng chục cây thông có đường kính từ 20 - 40 cm đã bị cưa hạ nằm ngổn ngang chưa kịp tẩu tán. Ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, thừa nhận vào ngày 29.4, tại TK 274 có 9 cây thông bị cưa hạ và 3.500 m2 đất lâm nghiệp bị san ủi. Điều đáng nói vị trí phần san ủi đất này nguyên là rừng thông, đã bị kẻ xấu chặt hạ trắng năm 2018. Xã Gia Lâm và BQL rừng phòng hộ Lâm Hà đã trồng lại rừng thông vào mùa mưa 2018, nhưng nay bị kẻ xấu nhổ bỏ hoàn toàn.
Tiếp đó, chiều 1.5, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Xuân Phước (ngụ xã Đạ Đờn, Lâm Hà) dùng máy múc san ủi hơn 200 m2 đất lâm nghiệp tại lô N, khoảnh 2, TK 274 cho ông Nguyễn Hùng Cường (ngụ thôn 5, xã Gia Lâm). Dù bị lập biên bản, đình chỉ việc san ủi, nhưng ngày 2.5 ông Cường tiếp tục cho máy ủi trên phần đất lâm nghiệp này.
Ngày 14.5, PV Thanh Niên ghi nhận tại hiện trường TK274 vẫn còn nhiều cây thông lớn nằm ngã đổ, kề đó cả một cánh rừng thông rộng gần 1 ha đã bị cưa hạ chỉ còn trơ gốc. Cách đây vài năm, khu vực này là rừng thông nhưng nay biến thành vườn sản xuất, người dân phân thành lô thửa và bao bọc bằng lưới B40.
Ông Đào Văn Hinh thừa nhận, sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định 450, đưa một phần diện tích tại TK 274 ra khỏi đất lâm nghiệp thì khu rừng thông này liên tục bị cưa hạ để chiếm đất sản xuất. Tất cả các vụ phá rừng này chính quyền địa phương đều lập biên bản ghi nhận hiện trường, nhưng đều không xác định được đối tượng vi phạm.
Khởi tố vụ án đầu độc 10 ha rừng thông
Liên quan đến vụ đầu độc làm hơn 10 ha rừng, với 3.560 cây thông gần 20 năm tuổi bị chết tại TK 292, xã Tân Thanh (Lâm Hà), chiều 15.5, Cơ quan Điều tra Công an H.Lâm Hà cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án “hủy hoại tài sản” để điều tra. Theo Công an Lâm Hà, những ngày qua đã và đang triệu tập nhiều người khả nghi đến làm việc, nhưng chưa thể cung cấp danh tánh. Như Thanh Niên đã phản ánh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp UBND H.Lâm Hà và chủ rừng Lâm Hà khẩn trương điều tra, xác định thủ phạm đầu độc hơn 10 ha rừng trên, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh trước ngày 20.5.2019.
|
Bình luận (0)