Làm giả lệnh tạm giam để lừa đảo

31/07/2018 13:00 GMT+7

Ngoài việc giả danh người của công an, viện kiểm sát để gọi điện hù dọa, các đối tượng lừa đảo còn dùng thủ đoạn mới bằng cách gửi lệnh tạm giam, lệnh bắt giữ… giả khiến nạn nhân sợ hãi phải chuyển tiền vào tài khoản.

Ngày 30.7, Công an tỉnh Bình Dương cho biết thời gian vừa qua trên địa bàn xuất hiện một số vụ việc làm giả giấy tờ của cơ quan công an, viện kiểm sát… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Thủ đoạn lừa đảo mới
Cụ thể, ngày 5.6, bà P.T.M.T (50 tuổi, ngụ ở P.Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, Bình Dương) nhận một cuộc điện thoại tự xưng nhân viên của bưu điện thông báo có một bưu phẩm gửi bằng đường bưu điện. Tuy nhiên, người nhân viên cho biết vì một lý do nào đó nên bưu phẩm chưa thể gửi tới chủ nhân như dự định, mà phải trao đổi với “Công an TP.HCM” để làm rõ.
Sau đó, nhân viên này tiến hành chuyển máy cho “cán bộ đang công tác ở Công an TP.HCM” trao đổi và người này lên giọng dọa nạt sẽ bắt tạm giam bà T. vì có liên quan đến đường dây tội phạm. Vài ngày sau, bà T. tiếp tục nhận cuộc điện thoại của người đàn ông gọi đến hù dọa bà đang nằm trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền và trốn thuế đang bị cơ quan công an điều tra.
Để cho nạn nhân hoảng sợ, hoang mang, nhóm lừa đảo còn gửi cho bà T. (qua mạng xã hội) một tờ… “lệnh tạm giam”, trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ… của nạn nhân. Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu bà T. phải chuyển tiền vào tài khoản “của công an, để kiểm tra tính trong sạch của số tiền nếu như không muốn ngồi tù”. Vì quá lo sợ bà T. đã ra ngân hàng chuyển 2 lần với tổng cộng hơn 2 tỉ đồng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, nhóm lừa đảo nhanh chóng tẩu tán số tiền trên. Biết mình bị lừa, bà T. đến công an trình báo.
Đây không phải là trường hợp duy nhất bị lừa đảo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo báo cáo của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn Bình Dương đã xảy ra khoảng 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên.
Thấy lệnh bắt giam tên mình nên sợ
Theo tường trình của nhiều người bị hại, ban đầu họ cũng không tin bản thân có liên quan trong đường dây ma túy hay tội phạm nào đó. Tuy nhiên, sau khi các đối tượng gửi cả quyết định khởi tố, lệnh bắt giam, tạm giam… (chủ yếu qua mạng xã hội) thì những người bị hại bắt đầu hoảng sợ, lo lắng thông tin mình bị bắt tạm giam là có thật.
Trung tá Hồ Hoàng Thanh thông tin về vụ hành vi thủ đoạn của tội phạm Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG
Trung tá Hồ Hoàng Thanh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đã giả danh các cơ quan công quyền như: Công an, Viện kiểm sát cung cấp thông tin giả rằng các bị hại có liên quan đến các vụ án hình sự từ đó buộc phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “kiểm tra”, sau đó nhanh chóng chiếm đoạt.
Các đối tượng này hoạt động rất tinh vi, không để lại bất cứ thông tin gì và nhanh chân tẩu thoát khi lấy được tiền, nhiều vụ bọn chúng chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỉ đồng. “Qua tình hình trên, lực lượng cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án nhanh chóng với hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành điều tra, đấu tranh làm rõ các đường dây nhóm đối tượng này. Trong thời gian công an đang tiến hành điều tra, chúng tôi khuyến cáo người dân nên cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi lạ yêu cầu chuyển số tiền lớn”, trung tá Thanh nói.
Liên quan đến các hành vi tương tự, Công an tỉnh Bình Dương cũng cảnh báo hiện nay tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, mạng điện thoại… là một loại tội phạm mới với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, rất tinh vi. Cơ quan công an khuyến cáo: “Khi gặp phải các trường hợp có đối tượng gọi điện hoặc vô cớ nhận được lệnh tạm giam thì mọi người lưu ý phải cần hết sức bình tĩnh, cảnh giác, không làm theo những điều chúng dẫn dắt, ngừng tiếp chuyện ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường và trình báo tới cơ quan công an để kịp thời xử lý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.