Góp ý tại hội nghị, ông Trần Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, cho rằng tham nhũng sinh ra do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Do đó, ông kiến nghị phải lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
“Phải lấy lại gương mặt tự trọng, liêm sỉ, kỷ luật sắt cho người cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức như lâu nay”, ông Kim nói.
Theo ông Kim, cán bộ bây giờ thường học lên cao, làm trên cao, rồi mới đưa về cơ sở trui rèn nên không đủ độ chín, không thấu được lòng dân, dễ sinh ra quá nhiều chuyện không hay. “Bây giờ xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải rút ra bài học quý giá, chớ có làm vua, làm chúa”, ông Kim nói.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, đánh giá định hướng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, phù hợp, hiệu quả, đã được chứng minh rất rõ trong các báo cáo trình Đại hội XIII. Tuy nhiên, cần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ hơn những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo bà Chuyền, cơ chế thị trường định hướng XHCN về văn hóa, xã hội chưa đủ mạnh, đủ rõ như cơ chế thị trường trong lĩnh vực kinh tế. Bà Chuyền dẫn chứng, hoạch định chính sách cho phù hợp với cơ chế thị trường giảm thiểu sự bao cấp là phù hợp, song việc chuẩn bị, xin ý kiến chưa làm tốt, có nhiều lúng túng, nên khi thực hiện còn có khó khăn, như tự chủ trong trường học, trong y tế...
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, cho biết kinh tế thị trường được nói đến lần đầu tiên tại Đại hội IX. Đến Đại hội XII, chúng ta làm rõ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ “có nghĩa là phải theo chuẩn mực theo một nền kinh tế thị trường mà không thể tách bạch với thế giới chúng ta hội nhập”.
Theo ông Thắng, tại Đại hội XIII, chúng ta nâng lên một tầm, nhấn mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình tổng quát của phát triển nền kinh tế Việt Nam. Ông Thắng cho rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN là phải tuân theo các quy luật thị trường nhưng phải đảm bảo định hướng XHCN.
“Trước đây chúng ta có quan điểm bảo đảm định hướng XHCN là ở phân phối, nhưng không phải. Định hướng XHCN nằm ở mục tiêu lấy con người là trung tâm. Thành quả của sự phát triển là của đại đa số nhân dân, của mọi người dân. Cho nên, lấy nhân dân làm trung tâm là bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam”, ông Thắng khẳng định.
Bình luận (0)