Theo phản ánh của một số người dân làng Cam Vũ, bàu Cúc có từ rất lâu đời. Trước kia, đây là nhánh đổ ra sông Hiếu, nhưng thời Pháp thuộc có con đập đắp chắn ngang nên trở thành bàu… “Với bao thế hệ dân làng, bàu Cúc là mạch nước phong thủy, ngay gần đó còn có miếu thờ vị tiền khai khẩn của làng. Đến nay bàu vẫn có tác dụng cung cấp nước tưới cho diện tích lúa ở lân cận nên hàng năm làng vẫn bỏ tiền ra để vớt bèo, nạo vét”, ông Nguyễn Kháng, một hộ dân ở làng Cam Vũ cho biết.
|
Tuy nhiên, gần đây nhiều người dân địa phương lo lắng khi mạch nước “thiêng” của làng có nguy cơ bị xâm hại. Theo họ, từ năm 2019, chính quyền đã không tham khảo ý kiến của người dân và tiến hành đấu giá một diện tích đất ở sát với bàu. Quá trình xây dựng ki ốt, các hộ dân đấu trúng đã đổ đất và xà bần thẳng ra bàu, tạo mặt bằng để đóng những cọc nhồi làm móng.
“Họ lấn ra phía bàu ít nhất phải 3 m. Việc này chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cảnh quan, dòng chảy. Chúng tôi cũng lo ngại các hộ này ở quá sát bàu sẽ phóng uế xuống đây”, ông Nguyễn Khanh, một người dân làng Cam Vũ, tỏ ý lo ngại.
Có ảnh hưởng nhưng chưa nghiêm trọng?
Nhiều người dân làng Cam Vũ đã nhóm họp và gửi đơn đến UBND xã Cam Thủy yêu cầu giải quyết những thắc mắc, trong đó kiến nghị chính quyền chỉ đạo cho múc đất lên, trả lại nguyên trạng cho bàu Cúc. Theo ông Nguyễn Khanh, ngày 27.9, đại diện UBND xã có xuống làm việc nhưng chỉ mời một nhóm nhỏ chức sắc trong làng, nên số đông người dân chưa đồng thuận (vì muốn gặp gỡ đầy đủ).
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Nhật Tiên, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy, cho biết việc đấu giá diện tích đất nằm dọc đường xuyên Á gần bàu Cúc để làm khu trung tâm dịch vụ của xã (thay thế hạng mục chợ) đã được đưa vào nghị quyết trong xây dựng nông thôn mới của xã. Chính quyền có dán niêm yết và phát loa thông báo, đồng thời phối hợp với các phòng ban chức năng của H.Cam Lộ thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, đấu giá 13 lô đất ở khu vực (mỗi lô dài 9 m, chiều sâu 4 m). “Tổng cộng 13 lô thu về hơn 670 triệu đồng, lô thấp nhất 40 triệu đồng, cao nhất 68 triệu đồng. Tất cả đều được nộp vào ngân sách nhà nước”, ông Tiên nói.
Tuy vậy, ông Tiên thừa nhận quá trình triển khai xây dựng sau đó đã nảy sinh rất nhiều vấn đề, nhất là chuyện các hộ đấu trúng đất khi xây dựng đã cơi nới phía trước (vi phạm hành lang giao thông) vừa cơi nới phía sau (lấn bàu Cúc). Theo ông, địa phương chỉ đấu giá phần đất, không đấu giá mặt nước bàu Cúc ở phía sau nên việc lấn chiếm là hoàn toàn sai. “Với chiều sâu 4 m, thực tế rất khó xây dựng, người ta sợ bung nứt móng, tính bền vững của công trình không cao. Vì thế, nhiều hộ đổ đất ra giữa bàu tạo mặt bằng, dùng máy thủy lực đóng cọc. Có nơi lấn ra bàu 2 - 3 m”, ông Tiên nói thêm.
Đáng chú ý, ông Tiên khẳng định chính quyền xã không xử lý những vi phạm của các hộ dân trong việc xâm hại bàu Cúc vì “dù việc này có ảnh hưởng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, có thể đánh đổi trong phạm vi cho phép”. Địa phương sẽ tổ chức cuộc gặp với toàn thể dân làng Cam Vũ để tìm sự “đồng cảm”.
Trong khi đó, ông Hoàng Tân Cương, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất H.Cam Lộ, xác nhận đơn vị tổ chức đấu giá 13 lô đất và cho rằng đã làm đúng phát luật, hết trách nhiệm. “Còn việc sau khi đấu trúng, người dân xây dựng trái phép, lấn chiếm bàu Cúc là thuộc phạm vi giám sát, xử phạt của UBND xã Cam Thủy. Trong trường hợp xã không giải quyết được thì phải có ý kiến lên UBND huyện để xử lý triệt để”, ông Cương nói.
Bình luận (0)