Thực trạng trên được Thanh Niên phản ánh trong bài viết Cấp bách “mở” cửa ngõ TP.HCM. Nhiều ý kiến chỉ rõ ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa ngõ không chỉ khiến việc đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn mà còn dồn áp lực lên mạng lưới giao thông nội đô, gây thiệt hại nặng về kinh tế - xã hội.
Ám ảnh kẹt xe, ngập nước
Theo bạn đọc (BĐ) Linh Ngô (TP.HCM), việc không “mở” được cửa ngõ là do bộ mặt đô thị TP đang quá rối. “Cơ quan chức năng cấp phép cho xây cao ốc quá nhiều. Trong khi dân cư càng đông, đường không mở thì không có cách nào “giải” được. Do đó giao thông ngày càng tệ, năm nay kẹt nhiều hơn năm trước. Tôi không ngán đường xa mà chỉ ngán cảnh kẹt xe và ngập nước. Chẳng hạn đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), hàng chục ngàn căn hộ mọc lên mà không mở đường thì hỏi làm sao không kẹt xe trầm trọng”, BĐ Linh Ngô nhận định.
BĐ Nguyễn Hữu Lộc (TP.HCM) phản ảnh ách tắc từ Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) đến QL13 đã tồn tại hơn 10 năm nay mà một trong những nguyên nhân là QL13 bị lấn chiếm lề đường, lòng đường suốt tuyến. “Trước mắt chỉ cần giải tỏa đúng lộ giới thôi cũng đã giải quyết đáng kể chuyện kẹt xe khủng khiếp suốt ngày tại đây”, BĐ nhận định.
Tương tự, nhiều BĐ cũng “quá sợ” tình trạng giao thông tại khu nam, khi mọi ngả đường từ Q.7 hay H.Nhà Bè vào trung tâm TP, dù là khu vực mới được quy hoạch bài bản hơn, cũng thường “ùn tắc như nhau”. Dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Kênh Tẻ (nối Q.7 và Q.4), dòng xe chen nhau xếp thành hàng dài bất kể giờ cao hay thấp điểm. Cầu Kênh Tẻ tắc, các phương tiện được khuyến cáo lưu thông qua các tuyến đường khác để giảm tải, nhưng “chạy đâu cho thoát”...
Cần ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng
Không chỉ nêu những bức xúc về thực trạng giao thông ở TP, nhiều BĐ còn đưa ra giải pháp dưới “lăng kính” là người sống hoặc từng có thời gian làm việc ở đô thị năng động nhất nước này. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị song song với triển khai dự án mở thêm các cửa ngõ dẫn vào TP, các doanh nghiệp và bệnh viện lớn cũng nên mở thêm chi nhánh nằm ở các quận huyện ngoại thành; hoặc “đẩy mạnh metro và đường trên cao”. Theo BĐ Việt Thương (Hà Nội), với kinh phí hạn hẹp, thì nên chấp nhận hiện trạng và tập trung phát triển đô thị vệ tinh; vừa có quỹ đất lớn, vừa tạo thế giãn dân, giảm tải cho khu vực trung tâm...
BĐ Nguyễn Tấn Tài (TP.HCM) chỉ rõ: Người nhập cư quá đông, đường xá thì nhỏ hẹp, nhất là mấy “ông” xe buýt chạy coi luật giao thông không ra gì. Đề nghị CSGT xử lý nghiêm những tài xế xe buýt thường chạy lấn làn đường xe gắn máy…
Theo BĐ Nguyễn Kiên (TP.HCM), về lâu dài TP cần có quy hoạch tầm nhìn vài chục, thậm chí vài trăm năm vì “nếu cứ quy hoạch TP như hiện nay thì TP vẫn cứ phát triển theo lối vá chiếc áo rách”. Nhiều BĐ đồng tình quan điểm này và cho rằng TP cần ưu tiên hơn về nguồn lực để triển khai cấp bách các dự án liên quan mật thiết đến đời sống, dân sinh, hạ tầng phục vụ phát triển.
Hãy xem tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn vào TP ngày nào cũng kẹt cả 4 - 5 km, xe nhích từng bước! Đoạn đường Lương Định Của có mấy ki lô mét làm hoài không xong, cũng là một nguyên nhân khiến cho nút giao thông khu vực này tệ hại.
Nguyễn Dũng (TP.HCM)
Nút cổ chai Nguyễn Thiện Thuật - Bùi Đình Túy, Bùi Đình Túy - Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có mấy chục căn nhà lấn chiếm mà chục năm nay còn mở rộng không xong, chuyện nhỏ còn làm chưa nổi thì chuyện lớn sao thành!
Trần Văn Minh (TP.HCM)
|
Bình luận (0)