Làng Việt ngày Tết: Tết vui ở xứ cù lao quanh năm xanh mướt

07/02/2019 04:30 GMT+7

Từ một “ốc đảo” biệt lập với đất liền, cuộc sống của người dân cồn Sơn đã thay đổi nhanh chóng nhờ phát triển du lịch cộng đồng . Xuân này, nhà nhà trên cồn đều đón một cái Tết sung túc hơn hẳn những năm trước.

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, từng đoàn du khách vẫn kéo đến cồn Sơn để tham quan, tận hưởng những ngày nghỉ ở cù lao yên bình nhất thuộc Q.Bình Thuỷ (TP.Cần Thơ). Những nhà vườn như Năm Minh, Bảy Muôn, Năm Phước, Út Hiện, Sáu Cứng, Thành Tâm… vừa sửa soạn cho ngày tết cổ truyền vừa đón khách như người thân ở xa trở về. Niềm nở, chân tình, giản dị, mộc mạc như chính tính cách của người dân xứ cù lao.

Đổi thay xứ cù lao

Tiễn đoàn khách tham quan hơn 20 người, bà Lê Thị Mỹ Luông, 51 tuổi, chủ nhà vườn Năm Minh, một nghệ nhân đổ bánh xèo ngon nức tiếng ở cồn Sơn, mới có thời gian trò chuyện cùng chúng tôi. Bên căn nhà khá khang trang, những cây mai, vạn thọ đã bung hoa vàng rực. Nhìn cơ ngơi này, ít tai có thể nghĩ, hơn 2 năm trước, bà Luông phải đi cắt cỏ, rửa chén thuê trong xóm; còn ông Năm Minh chồng bà cũng phải bươn chải làm đủ nghề để nuôi gia đình. 
Du khách thưởng thức bánh xèo, bánh khọt tại nhà nghệ nhân bánh dân gian Lê Thị Mỹ Luông Ảnh: Đình Tuyển
Mùa xuân này, gia đình bà Luông sung túc hơn so với những năm trước ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Ông Minh và bà Luông có hai con trai, sinh kế trông cả vào 3,2 công đất (3.200 m2) trồng nhãn da bò. Năm nào trúng mùa thì cũng tạm, nhưng thất mùa, gia cảnh lại khốn khó. Người con lớn phải nghỉ học đi làm công nhân đóng tàu phụ giúp gia đình.
Cồn Sơn, nằm giữa sông Hậu, cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 10 km về hướng Tây, thuộc địa phận P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thuỷ. Từ trung tâm Cần Thơ có thể bắt xe đến cồn Sơn rất thuận lợi, qua bến đò Cô Bắc (đường Lê Hồng Phong, Q.Bình Thuỷ). Khoảng hơn 3 năm nay, “ốc đảo” này đã trở thành một hiện tượng về phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh là vườn cây ăn trái cùng nhiều sản phẩm du lịch thôn dã, mới lạ.
Tới tháng 6.2016, bà Luông tham gia Câu lạc bộ liên thế hệ hỗ trợ nhau làm du lịch cộng đồng ở cồn Sơn, cuộc sống gia đình bà Luông đã thay đổi hoàn toàn.
“Bây giờ, tôi đổ bánh xèo, bánh khọt phục vụ khách, ổng thì làm vườn, tới mùa cho khách tham quan. Đứa con trai tôi nghỉ làm công nhân về làm hướng dẫn viên du lịch địa phương, thu nhập cũng ổn định hơn rất nhiều so với làm công nhân khi xưa”, bà Luông kể.
Cả gia đình bà Luông đều có việc làm, tiền vô mỗi ngày. Còn vườn nhãn trước đây phụ thuộc vào thương lái, tới mùa thu hoạch chỉ bán được với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, thì giờ bán giá ổn định 15.000 - 20.000 đồng/kg. Chưa kể vào vụ, phí thăm vườn cứ 15.000 đồng/lượt khách đang mang lại cho gia đình bà Luông một nguồn thu kha khá.
Bà Lê Thị Mỹ Luông, chủ nhà vườn Năm Minh, một nghệ nhân đổ bánh xèo ngon nức tiếng ở cồn Sơn Ảnh: Đình Tuyển
Đi qua vườn nhãn Năm Minh sẽ tới vườn vú sữa cô Sáu Cứng đang cho trái trĩu cành. Cô Sáu Cứng tên thật là Nguyễn Thị Năm cho biết, mùa tết này vườn vú sữa của bà thu được khoảng 7,5 tấn với giá ổn định 35.000 đồng/kg. Khách ăn đến đâu lại hái bán đến đó.
Con bà Sáu Cứng mời khách thưởng thức vú sữa tại vườn Ảnh: Đình Tuyển
Qua hết vườn vú sữa bà Sáu Cứng, là nhà vườn chôm chôm của Năm Phước - chủ nhà vườn Song Khánh. Đứng dưới gian bếp, vừa hướng dẫn con gái đổ rau câu, bà Năm Phước vừa khoe mới sắm được một chiếc ti vi thông minh khá to để Tết này cả nhà xem các chương trình giải trí. Trên bếp nồi thịt kho hột vịt cũng đang đỏ lửa để sửa soạn cho mâm cơm cúng tổ tiên ngày 30 Tết.
“Ra tết, tôi sẽ mở rộng thêm không gian để phục vụ khách tốt hơn và đặc biệt sẽ làm thêm một khu dành cho khách ở homestay”, bà Năm Phước nói.
Bán... cảm xúc ngày Tết
Câu lạc bộ liên thế hệ hỗ trợ nhau làm du lịch cồn Sơn có 17 hộ thành viên thường xuyên, và 20 hộ liên kết theo mùa vụ, tức tới mùa trái cây mới cùng tham gia phục vụ du khách.
Cái hay của câu lạc bộ là mỗi gia đình sẽ làm một vài món đặc trưng riêng, rồi cùng liên kết với nhau để phục vụ khách. Một mâm cơm của khách nhưng là sản phẩm ẩm thực của 5 - 6 nhà vườn. Còn hướng dẫn viên sẽ chính là những người con của đất cồn.
Vào ngày Tết, nhiều du khách ở xa, Việt kiều về quê rất thích tham quan cồn Sơn - nơi vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp mộc mạc, thôn quê của sông nước Nam bộ Ảnh: Đình Tuyển
Trên cồn Sơn, nói đến bánh xèo, bánh khọt ắt hẳn là đặc sản của nhà Năm Minh. Bánh kẹp cuốn, bánh lá mít, nước mắm đồng cồn Sơn là nhà Bảy Muôn. Bánh tét Út Hiện; cá tai tượng nướng lá sen là nhà Năm Phước; cá lóc nướng, lẩu mắm là nhà Phương My; lẩu ếch đồng nhà Chín Nhỏ; canh chua Thanh Nhàn; nước ép ổi, rượu ổi Thành Tâm…
Thật khó tin khi chỉ trong chưa đầy 3 năm gầy dựng, phát triển du lịch cộng đồng, những người nông dân cồn Sơn đã đứng ra ký kết hợp tác với 25 công ty du lịch lữ hành trên cả nước… Giờ đây, mỗi ngày, những doanh nghiệp du lịch tên tuổi như Vietravel, Saigontourist, Canthotourist, Lửa Việt, Nụ Cười Mekong… đều đưa khách thường xuyên và ổn định đến với bà con cồn Sơn.
Bà Năm Phước dạy con gái đổ rau câu ăn tết Ảnh: Đình Tuyển
Bà Năm Phước chuẩn bị bông hoa cho ngày tết. Tết này gia đình bà sung túc hơn rất nhiều so với những năm chưa làm du lịch cộng đồng Ảnh: Đình Tuyển
Chị Lê Thị Bé Bảy, cán bộ Q.Bình Thuỷ, người đầu tiên được cử qua cồn Sơn hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng từ năm 2015, kể chị cùng với các đoàn viên thanh niên của quận qua cồn Sơn hướng dẫn người dân làm du lịch. Lúc đầu ai cũng bỡ ngỡ nhưng cho đến năm 2016, đời sống người dân bắt đầu khởi sắc thấy rõ. Kinh tế phát triển, người dân có việc làm thường xuyên. Có những gia đình có con ở xa thì không còn phải đi làm thuê xa nữa, mà về đây cùng giúp gia đình.
“Điều tôi thấy thành công nhất là bây giờ ý thức bảo vệ cảnh quan cũng như dọn dẹp nhà cửa làm sao phù hợp với cái gu miệt vườn của người dân đã được nâng lên đáng kể. Người dân biết làm thế nào bảo vệ môi trường chung cùng làm du lịch, tự hướng dẫn nhau. Đặc biệt đi đôi với phát triển kinh tế, đó là sự bền vững về môi trường sinh thái”, chị Bé Bảy cho biết.
Là người từng đến du lịch cồn Sơn đầu tiên, du khách Phạm Quỳnh Giao (ngụ Cần Thơ), cho biết, mọi thứ từ cơ sở vật chất ở các nhà vườn đã chỉnh chu hơn, nhưng cái ấn tượng nhất với du khách khi tới đây đó là tình cảm của người dân đất cù lao.
“Họ vẫn tình cảm, chân thành, mộc mạc, ấm áp như thuở nào, như đặc tính vốn có của con người xứ cù lao quanh năm xanh mướt này”, Quỳnh Giao nói.
Cũng theo chị Bé Bảy, khách đến cồn Sơn những ngày Tết có rất nhiều người là kiều bào và khách quốc tế. Rất dễ để cảm nhận, giá trị đặc sắc nhất của cồn Sơn những ngày Tết đó là “bán cảm xúc” cho du khách.
“Du khách về đây tìm lại không gian Tết của miệt vườn Nam bộ xưa, tìm lại không gian gia đình xưa cùng với các hộ dân. Du khách hòa mình với những phong tục ngày tết của Nam bộ như những thành viên trong gia đình bản địa”, chị Bé Bảy nói.
Chia tay khách quen trong bịn rịn và hẹn ngày trở lại Ảnh: Đình Tuyển
Chia tay những vị khách về lại thành phố, bà Năm Phước bịn rịn như chia xa người thân. Du khách nắm tay người nông dân làm du lịch cồn Sơn gửi nhau những lời chúc sức khoẻ, thành công trong một năm mới, và hẹn một ngày không xa sẽ trở lại xứ cù lao hồn hậu, bình yên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.