Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành, với sự phát triển của cách mạng 4.0, có nhiều ứng dụng, các trang mạng phục vụ thông tin thiết yếu. "Ví dụ có trang mạng công bố chất lượng không khí toàn cầu. Chúng tôi tìm hiểu thì thấy họ thu thập thông tin từ nhiều trạm, cả của bộ, của địa phương, cả từ các đại sứ quán, doanh nghiệp, thậm chí đặt hàng lắp trạm để thu thập thông tin", ông Thành nói.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, riêng với bụi PM 2.5, do kích cỡ rất nhỏ nên để đo được thì cần có phương pháp chính thống mà các nước đã và đang làm, với thiết bị chuẩn mực, được kiểm định, còn nếu sử dụng các thiết bị đo cầm tay tức thời thì độ chính xác chưa cao.
Bên cạnh đó, nơi lắp thiết bị cũng rất quan trọng, ví dụ nếu lắp gần nguồn phát thải thì không thể đại diện cho cả khu vực được. "Cho nên, các thông tin đó (từ các trang mạng - phóng viên) chỉ mang tính tham khảo. Muốn có số liệu chính thức thì người dân có thể vào các trang của Tổng cục Môi trường và TP.Hà Nội", ông Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Thành cho biết thêm, tới đây các thành phố lớn đều có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm đo chất lượng không khí để cảnh báo kịp thời hơn trong "mùa" chất lượng không khí sụt giảm. Về dài hạn, Chính phủ đã có kế hoạch, từ hoàn thiện thể chế, xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn để giám sát, theo dõi cho đến biện pháp, quy định để giảm nguồn phát thải.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nói thêm: "Đây là giai đoạn chuyển mùa, nên có hiện tượng ô nhiễm không khí. Hơn nữa, những ngày gần đây là cao điểm không có gió, không có mưa nên sẽ khuếch tán bụi lớn hơn thông thường".
"Riêng với bụi PM2.5 thì những ngày qua đúng là cao. TP.Hà Nội có 11 trạm quan trắc và chúng tôi công bố chất lượng không khí hàng ngày, qua website của thành phố và trang web của Sở TN-MT", ông Hùng nói.
Bình luận (0)