Sáng 19.9, rất đông khách hàng đầu tư mua đất nền tại các “dự án ma” của Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba) tìm đến trụ sở công ty này (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đặt vấn đề đòi lại tiền nhưng đều thất vọng ra về.
Anh Q. (ngụ Q.8, TP.HCM) cầm giấy tờ, hợp đồng mua đất của chị gái mình với Công ty Alibaba đến trụ sở công ty này rất sớm để tìm gặp nhân viên bán hàng giải quyết. Anh Q. cho biết chị gái của anh đóng gần 800 triệu đồng mua nền đất dự án của Công ty Alibaba tại TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau khi nghe hai lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt, chị gái anh Q. không đứng vững và rất hoang mang. “Giờ chị ấy không giữ được bình tĩnh nên tôi phải đi thay. Tiền đầu tư tại Công ty Alibaba là tiền tích góp cả đời của chị ấy”, anh Q. nói.
|
Tương tự, anh N.V.Đ cho biết đã đóng trên 800 triệu đồng đầu tư hai lô đất của Công ty Alibaba tại H.Long Thành (Đồng Nai) và TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau khi biết thông tin các dự án này chưa được chính quyền chấp thuận đầu tư, 1 tháng qua anh bỏ việc đi tìm hiểu và lên trụ sở Công ty Alibaba để tìm câu trả lời, đòi lại tiền. “Một tháng nay tôi liên tục đến trụ sở Công ty Alibaba, gặp nhân viên bán hàng thì nói chờ lãnh đạo; lãnh đạo thì hẹn rồi không chịu gặp. Giờ bị bắt hết rồi ai trả tiền cho tôi. Tôi đã đến Bộ Công an tố cáo hành vi lừa đảo của lãnh đạo, nhân viên Công ty Alibaba”, anh Đ. cho biết.
“Tiền của quý vị công an giữ hết” ?
Cũng trong sáng 19.9, Công ty Alibaba tổ chức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội Facebook để trấn an các “nhà đầu tư”. Buổi livestream do bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại và đào tạo - Công ty Alibaba, chủ trì với sự có mặt của nhiều nhân viên công ty và khách hàng tại trụ sở công ty này.
Mở đầu buổi livestream, bà Như nói “tiền quý vị sẽ không bị mất đi đâu cả”; “công an đã thu giữ tất cả giấy tờ, sổ sách, máy tính và tiền bạc của Công ty Alibaba”.
|
“Khách hàng yên tâm, tiền quý vị sẽ được công an giữ một cách an toàn nhất, an toàn hơn chúng tôi giữ nữa. Tiền quý vị chúng tôi không làm gì khác ngoài mua bất động sản”, bà Như trấn an khách hàng và khẳng định “Công ty Alibaba còn 600 ha đất” (?), nếu có vấn đề xảy ra thì sẽ giải quyết thỏa đáng cho khách hàng. “Nếu như quý vị không chờ đợi, thì chúng tôi không biết làm gì hơn cho quý vị cả”, bà Như nói.
Thế nhưng, khi nhiều khách hàng đặt vấn đề trả lại tiền gốc, lãi thì bà Như giải thích “do Bộ Công an phong tỏa tài khoản của công ty nên chưa chi trả cho khách hàng được. Khi nào trả tiền cho khách hàng thì Bộ Công an sẽ trả lời (!?). Hiện tại Công ty Alibaba không có tài sản gì ở đây”.
Lời giải thích của bà Như bị khách hàng cho rằng “đi vào ngõ cụt” và yêu cầu phải nói rõ hơn. Lúc này, bà Như lại nói: “Khi Bộ Công an đến công ty làm việc, đọc lệnh thì lấy lý do nhận được nhiều đơn tố cáo của khách hàng. Nhưng 2 tháng vừa qua chúng tôi không nhận được bất cứ cái đơn nào như thế. Thậm chí, chúng tôi nhận thông tin, khách hàng được mời lên công an ký vào các tờ giấy “khống”. Chúng tôi đang xác minh thì sự việc nó xảy ra như vậy. Quý vị nào ở đây ký vào đơn tố cáo tại Bộ Công an thì xác nhận cho chúng tôi biết lý do”.
Tại buổi livestream, bà Như còn kêu gọi khách hàng ký vào nội dung đơn xác nhận gửi đến Bộ Công an. Đơn được Công ty Alibaba chuẩn bị sẵn, thể hiện nội dung “trong thời gian đầu tư tại Tập đoàn địa ốc Alibaba cho đến thời điểm này tôi chưa bao giờ làm đơn tố cáo công ty lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tôi rất mong CQĐT tạo điều kiện thuận lợi cho công ty tiếp tục hoạt động và phát triển để công ty tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với khách hàng”…
Đến tối qua, có thông tin bà Như bị công an triệu tập tới làm việc do liên quan vụ án tại Alibaba. PV Thanh Niên đã xác minh thông tin này nhưng chưa có câu trả lời từ cơ quan chức năng.
Người bị hại nên hợp tác với cơ quan điều tra
Công an lên phương án đảm bảo trật tự khi khách hàng đến Alibaba đòi tiềnNgày 19.9, Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết tình hình an ninh trật tự tại khu vực trong và ngoài trụ sở Công ty CP địa ốc Alibaba (120 - 122 Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh) vẫn được đảm bảo trước, trong và sau khi Bộ Công an, Công an TP.HCM thực hiện lệnh khám xét, khởi tố, bắt giam đối với hai bị can Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh. Hiện Công an Q.Thủ Đức, Công an P.Hiệp Bình Chánh đã sẵn sàng kế hoạch, cử cán bộ túc trực để đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở Công ty Alibaba vì sẽ có nhiều khách hàng tìm đến đây đòi lại tiền. Theo Công an Q.Thủ Đức, khi có nhiều khách hàng tìm đến trụ sở Công ty Alibaba đòi tiền, cán bộ công an sẽ hướng dẫn khách hàng gửi đơn tố cáo, hoặc đến trực tiếp Bộ Công an, Công an TP.HCM để trình báo.
Công Nguyên
|
Về khả năng khách hàng có “đòi” được tiền hay không, cũng theo luật sư Kiều Anh Vũ, “phụ thuộc vào khả năng chấp hành án của người phạm tội”. Về trách nhiệm hình sự, các bị can sẽ bị khởi tố, truy tố xét xử; còn về trách nhiệm dân sự sẽ phụ thuộc vào khả năng thực tế chấp hành án của người phạm tội hoặc khả năng hoàn trả của pháp nhân là Công ty Alibaba. Nếu khách hàng được xác định là bị hại thì bị can, bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn khi xác định dựa trên hợp đồng vô hiệu, thì hai bên “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Về trách nhiệm pháp nhân của người bị khởi tố, bắt giam, trong trường hợp này nếu công ty tiếp tục hoạt động, có thể thay đổi người đại diện pháp luật thì người đại diện pháp luật tiếp theo phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với khách hàng; công ty không còn hoạt động thì nhiều khả năng khách hàng... “mất trắng”.
Một kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nhận định, sau khi bị can Luyện, Lĩnh bị tạm giam, tâm lý của người dân từng giao dịch với Công ty Alibaba đang hoang mang, lo sợ “lãnh đạo công ty bị bắt thì sẽ bị mất tiền”, nên có thể ký các giấy tờ không tố cáo Công ty Alibaba. Tuy nhiên, cần xác định, việc trả tiền cho người bị hại là tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội. “Bản thân các bị can hoặc Công ty Alibaba còn tiền để trả lại cho khách hàng hay không sẽ được làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án. CQĐT kêu gọi người dân là khách hàng ký hợp đồng, giao dịch với Công ty Alibaba liên hệ CQĐT để cung cấp thông tin, phục vụ điều tra là cách tập hợp, thống kê người bị hại nhằm thu hồi tài sản cho người dân”, kiểm sát viên cao cấp này cho hay.
Liên quan đến việc thu hồi tài sản triệt để cho khách hàng, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã phong tỏa các tài khoản liên quan đến Công ty Alibaba và một số lãnh đạo công ty này. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ phản ánh của một số khách hàng đã mua đất dự án của Công ty Alibaba, khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản công ty thì bị can Luyện đã chuyển tiền vào tài khoản của người thân. Về vấn đề này, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Viện trưởng Viện KSND Q.3 (TP.HCM), phân tích: “Trong tố tụng hình sự, không phải khi nào cũng phong tỏa tài khoản đích danh của người phạm tội hoặc pháp nhân bị khởi tố, truy tố, xét xử. Điều 438 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác minh được những tài khoản, tài sản khác do cá nhân, tổ chức khác đứng tên nhưng có liên quan đến hành vi phạm tội thì CQĐT có quyền kê biên, phong tỏa nhằm thu hồi, khắc phục triệt để cho vụ án”.
Bình luận (0)