Tối 15.9, lực lượng an ninh Thái Lan tiến hành kiểm tra khu Pratunam ở thủ đô Bangkok và bắt giữ 6 người VN, gồm 4 người Thanh Hóa bán nước lựu, nước chanh và 2 người Hà Tĩnh bán trái cây.
Trước đó, trong đợt truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp tại chợ Klongtoey (quận Watthana, Bangkok) ngày 9.9, cảnh sát di trú Thái Lan đã tạm giữ 31 người, trong đó có 11 người VN bán trái cây. Nhóm người Việt bị cáo buộc sang Thái để du lịch nhưng thực chất là lao động trái phép. Hiện nhà chức trách Thái đang mở chiến dịch lớn truy quét lao động chui và đặc biệt nhằm vào những nghề có đông người Việt tham gia như bán hàng rong, bán ở chợ và phụ việc...
Sống nơm nớp
Trần Hoàng Quang, quê Thanh Hóa, bán nước lựu ở khu Pratunam phải chạy dạt lên khu Asok ở nhờ nhà đồng hương để tạm lánh. Anh cho biết: “Quân đội và cảnh sát bây giờ gắt lắm, không chỉ đi tuần mà còn xông thẳng vào nhà trọ để kiểm tra và bắt người. Mà ngay cả ở trong phòng vẫn không yên tâm vì truyền hình Thái cũng tuyên truyền người dân nào phát hiện ở đâu có người nước ngoài sinh sống làm việc chui phải thông báo với chính quyền”.
Thật ra, việc Thái Lan truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp không có gì lạ, năm nào cũng có vài đợt. Tuy nhiên, lần này thì dân lao động chui VN thật sự cuống cuồng vì nhà chức trách đánh thẳng vào những nghề chính mà họ tham gia. Ngô Thị Thao, bán nước chanh ở khu Sukhumvit, cho biết: “Bình thường em bán từ 9 giờ sáng đến 12 giờ tối, nhưng đợt này cảnh sát đi lùng dữ quá nên bọn em phải trốn ở nhà, 7 giờ tối mới dám đẩy xe ra bán được đồng nào hay đồng đó”.
Nếu như trước đây ở các cửa khẩu đường bộ Thái - Lào như Nong Khai, Mukdahan, Nakhon Phanom, người VN thường đổ sang Thái thì nay ngày càng nhiều người rời đi. Tôi liên lạc với Phan Nhân Minh, quê Hà Tĩnh bán trái cây tại khu Ekamai, thì được biết anh đã về VN. Anh nhắn: “Mình bị bắt mấy lần rồi, lần này mà bị bắt nữa là không được nộp tiền bảo lãnh mà còn phải ngồi tù 6 - 8 tháng nữa. Thôi về VN cho rồi, sợ lắm!”.
Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân Đại sứ quán VN tại Thái Lan Nguyễn Hải Ngọc tâm sự với Thanh Niên: “Chúng tôi rất khổ tâm khi cứ liên tục nhận những thông tin không hay về bà con mình: buôn bán trái phép bị bắt, làm giả nước giải khát, bán thực phẩm mất vệ sinh... Chúng tôi có nhiệm vụ bảo hộ công dân theo quy định pháp luật nhưng bà con sai, làm sao chúng tôi bảo vệ được?”.
Lao động chui VN tại Bangkok hiện ban ngày chỉ ở trong nhà trọ, đến tối mới dám ra ngoài bán
|
Lối ra nào cho phận mưu sinh chui ?
Như Thanh Niên đã phản ánh trong loạt bài Phận mưu sinh chui trên đất Thái hồi tháng 10.2015, hầu hết những người VN sang Thái lao động chui đều có cuộc sống khó khăn ở quê nhà nên phải tha hương cầu thực nơi đất khách. Mặt khác, trong bài phân tích đăng hồi cuối tháng 7, tờ Bangkok Post cho biết ở Thái Lan hiện có 3 triệu lao động không phép từ Myanmar,
1 triệu người từ Lào, 1 triệu người từ Campuchia và từ VN là khoảng 50.000 người. Tờ báo đánh giá lao động người Việt chịu khó, chăm chỉ, làm việc hiệu quả và có chí cầu tiến.
Bản thân chính quyền Bangkok cũng có ý định chuẩn hóa lao động nhập cư trong một số ngành nghề nhằm tận dụng nguồn lực này. Hồi tháng 7.2015, VN và Thái Lan ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động. Đến cuối tháng 6.2016, Cục trưởng Cục Tuyển dụng lao động Thái Lan Arug Phrommanee cho biết phía Thái sẽ bàn cụ thể về vấn đề này để tháng 9 có thể bắt đầu đưa lao động VN sang làm việc trong 2 ngành nghề là ngư nghiệp và xây dựng. “Thái sẽ bảo hộ lao động VN đầy đủ giống như lao động trong nước”, ông nói. Tuy nhiên, đến giờ đã gần hết tháng 9 mà việc triển khai thực hiện vẫn chưa có động tĩnh gì.
Linh mục Anthony Lê Đức, người rất am hiểu và gần gũi với lao động chui VN tại Thái, cho rằng trước mắt, lao động VN nên tìm cách làm những công việc dù có thể chưa được luật hóa nhưng xã hội Thái cần và chấp nhận như giúp việc gia đình hoặc làm việc trong các hãng, xưởng... “Công việc thu nhập có thể không cao bằng buôn bán tự do nhưng an toàn hơn. Còn nếu không thì phải quay về VN hoặc qua nước khác làm việc”, linh mục Anthony Lê Đức nói. Một điều quan trọng không kém là những người bán hàng rong chui cũng phải có tâm, không bán thực phẩm kém vệ sinh, không an toàn hay sử dụng phẩm màu, phụ gia bị cấm để tránh gây ác cảm hoặc tăng nặng tình tiết khi bị bắt.
Thêm 20 đợt truy quét đến cuối năm
Hàng rong và buôn bán tại chợ là 2 trong 39 ngành nghề được chính phủ “bảo hộ”, chỉ dành riêng cho người Thái. Tuy nhiên, đây lại là nghề có số lao động nước ngoài làm việc đông nhất. Theo người đứng đầu Sở Di trú Thái Lan Nathathorn Prohsunthorn, những đối tượng này phải bị trục xuất và cấm nhập cảnh vào Thái Lan vì hành động của họ ảnh hưởng đến kinh tế và sự bền vững của đất nước. Tại cuộc họp liên ngành mới đây, Thái Lan thống nhất giải pháp giải quyết vấn đề lao động nước ngoài trái phép tại Thái. Theo đó, giải pháp ngắn hạn là từ tháng 9 đến cuối năm nay sẽ có tối thiểu 20 đợt truy quét. Tiếp theo là Thái Lan sẽ thành lập 6 đội chuyên kiểm tra, bắt giữ lao động nước ngoài bất hợp pháp từ tháng 10.2016 đến tháng 9.2017.
|
Bình luận (0)