Chiều 17.4, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng phát đi thông cáo báo chí về tính pháp lý, điều chỉnh quy hoạch... của dự án Marina Complex (tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà). Cụ thể, dự án được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt sơ đồ ranh giới ngày 28.8.2009, diện tích dự án 175.012 m2 (phần đất liền 105.520 m2, đất phần mặt nước 69.492 m2), giao Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án. Ranh giới phía sông của dự án theo sơ đồ ranh giới được duyệt bám theo hướng tuyến quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông (Q.Sơn Trà).
Tuyến đê, kè Mân Quang được Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng tổ chức lập quy hoạch trên cơ sở khảo sát địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư đô thị Mân Quang, khu dân cư làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông và cơ sở hạ tầng khu vực ven sông; Bộ NN-PTNT cũng đã có ý kiến thống nhất. Năm 2011, UBND TP phê duyệt quy hoạch lần đầu. Sau đó, Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.
“Cục máu đông” trên sông Hàn ?
tin liên quan
Đà Nẵng thông tin về dự án Marina Complex lấn sông Hàn gây xôn xao dư luậnHiện phần dự án đã thi công san lấp mặt bằng, kè bao, đang thi công các hạng mục: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện... Ghi nhận thực tế, nhìn từ cầu Thuận Phước, có thể thấy phần đất đổ lấn sông khá rộng với kè bao kiên cố. Phần diện tích đắp bồi thêm có dạng hình tam giác, đoạn nhô ra rộng nhất đến hàng chục mét. Phần lấn sông thực tế đã chiếm một phần của diện tích mặt nước.
Mặc dù thông cáo của Sở Xây dựng TP khẳng định “dự án được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tốt hơn”, nhưng người dân cũng như các chuyên gia tỏ ra lo lắng vì dòng chảy sông Hàn sẽ bị “bóp nghẹt”, dễ gây ra nhiều hệ lụy về sau.
Ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển VN (nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP.Đà Nẵng), ví von sông Hàn cũng như một mạch máu não có thể bị “tai biến”. Phần lấn sông như “cục máu đông” tắc lại khiến dòng chảy bị nghẽn. Theo ông Diệm, diện tích mặt cắt ướt của sông Hàn trước đây khá lớn. Mùa lũ, nước có thể tràn bờ chảy ra đồng ruộng. Nhưng hai bờ sông được kè, mặt cắt ướt chỉ còn lòng sông. “Mặt cắt ướt đã nhỏ, bây giờ lại chắn dòng thì nước sẽ “đào xới” lòng sông để thoát ra. Nước sông cũng moi cả bờ sông, bào lòng sông khiến lòng đất trong lòng TP sẽ bị rỗng, sạt lở... Mưa to sẽ làm đất mềm và sụt lún”, ông Diệm phân tích.
|
Từng bị dừng dự án
Liên quan thông tin dự án “bám theo” kè được xây dưới thời Pháp sẽ không gây ảnh hưởng dòng chảy, ông Hồ Duy Diệm cho biết thời Pháp đã cho xếp đá hộc làm 2 bờ đê rộng 5 m. Hai con đê này dùng để dẫn dòng chảy từ cửa sông Hàn thẳng ra biển, qua đó nạo vét lòng sông cho tàu đi lại. “Hai kè này chỉ mang tính chất dẫn dòng. Cảng Tiên Sa hơn những cảng khác nhờ 2 con đê này đã nạo vét theo lực chảy tự nhiên. Nếu lấy chuyện 2 kè đê này để nói tới việc xây kè lấn sông là sai hoàn toàn”, ông Diệm khẳng định.
Hồi năm 2015, khi đăng tải loạt bài 5 kỳ Thận trọng với sông Hàn, Báo Thanh Niên cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân xung quanh đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn do Công ty tư vấn thiết kế JiNa (Hàn Quốc) thực hiện. Trong đó, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu xây dựng dày đặc các công trình rất khó bảo đảm tính nguyên vẹn của dòng chảy. Đặc biệt, KTS Phạm Phú Bình (Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng VN) nêu quan điểm “kiên quyết là không nên mở rộng, lấn chiếm làm thu hẹp dòng sông Hàn”.
Theo thông tin Thanh Niên có được, tháng 9.2017, dự án Marina Complex đã bị Sở Xây dựng, UBND Q.Sơn Trà tạm dừng thi công do công trình này chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng một phần kè bao và san nền dự án. Tuy nhiên, 1 tháng sau đó, vào ngày 27.10.2017, ĐTM dự án được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt. Trả lời về việc liệu ĐTM được phê duyệt chỉ sau 1 tháng tạm dừng thi công có “quá nhanh”, ông Lê Văn Tuấn, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, cho hay sẽ kiểm tra và thông tin lại.
Bình luận (0)