Lợi dụng giãn cách, tàu giã cào càn quét vịnh Vân Phong

13/08/2021 06:43 GMT+7

Trước đây, nạn giã cào hoạt động lén lút, tần suất và thời gian ít, đa phần ở các khu vực xa bờ. Thế nhưng, thời gian gần đây thì hoạt động khá công khai.

Chiều 12.8, trả lời Thanh Niên, ông Trần Ngọc Khiêm, Phó chủ tịch UBND H.Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), cho biết đã yêu cầu Phòng kinh tế phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm hàng loạt tàu giã cào lợi dụng thời gian giãn cách xã hội của huyện để hoạt động.
Theo phản ánh của người dân, trong những ngày qua, nhiều tàu giã cào tại H.Vạn Ninh bắt đầu hoạt động trở lại tại các khu vực biển trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Trước đây, nạn giã cào hoạt động lén lút, tần suất và thời gian ít, đa phần ở các khu vực xa bờ. Thế nhưng, thời gian gần đây thì hoạt động khá công khai, với hai khung giờ chính từ sáng sớm cho đến khoảng 15 giờ hằng ngày, hoặc từ 14 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau.
Từ năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc; cấm tất cả các nghề giã cào, cào sò khai thác thủy sản tại các vịnh Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong và các đầm Thủy Triều, Nha Phu.
Tuy nhiên hiện nay, các địa phương ven biển vẫn tồn tại nhiều loại tàu giã cào, nhiều nhất là loại cào nhủi, cào sò. Loại tàu giã cào nhủi, phía trước trang bị cặp càng lắp lưới mắt nhỏ để xúc tôm, cá khi di chuyển trên biển. Thậm chí, nhiều chủ tàu còn gắn thêm thiết bị kích điện phía trước cặp càng để tận thu hải sản. Còn tàu giã cào sò, trang bị công cụ đánh bắt hình thù nhìn như chiếc rọ được làm bằng inox, dài khoảng 2 m với hàng chục lưỡi cào dài 30 cm. Khi cào, các lưỡi này cắm sâu xuống đáy biển móc sò, ốc, cua và các loại hải sản nằm sâu dưới đáy biển. Mỗi khi tàu cào sò đi qua, đáy biển tan hoang, cả vùng biển bị khuấy nước đục ngầu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.