Luật Quản lý đô thị liệu có khắc phục tình trạng 'đường đắt nhất hành tinh'?

12/04/2018 16:40 GMT+7

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng luật Quản lý phát triển đô thị phải giải quyết được những bất cập trong quản lý và phát triển đô thị hiện nay.

Chiều 12.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án luật Quản lý phát triển đô thị.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Đông Nam Á, với hệ thống đô thị tăng rất nhanh. Năm 1999 mới chỉ có 629 đô thị với 19,6 % dân số thì năm 2017 đã có 813 đô thị với 36,6 % dân số sống trong các đô thị. Mục tiêu tới năm 2020 là 45 % dân số sống trong các đô thị.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, vấn đề cần thiết phải ban hành luật Quản lý phát triển đô thị vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, vì trong hệ thống pháp luật hiện hành, đã có luật Quy hoạch, luật Xây dựng, luật Nhà ở, luật Đất đai, luật Đầu tư công, với nhiều điều khoản liên quan tới quản lý phát triển đô thị.
Tán thành sự cần thiết phải xây dựng luật Quản lý phát triển đô thị, song nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, luật này được kỳ vọng phải giải quyết được những tồn tại, bất cập hiện nay trong quản lý, phát triển đô thị.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng ông đã rất kỳ vọng với dự án luật này, song với 66 điều trong dự thảo thì không biết có thể quản lý được không.
Ông Phúc nêu ra hàng loạt vấn đề thuộc hệ thống hạ tầng đô thị, từ mật độ xây dựng, mật độ cây xanh, quản lý vỉa hè,... cho tới thu gom rác, và cho rằng cần phải quy định trong dự án luật này để giải quyết.
"Trước đây từ nhà tôi tới cơ quan chỉ 8 phút, nhưng hiện nay phải mất nửa tiếng, thậm chí 45 phút. Rõ ràng mật độ xây dựng bây giờ quá nhiều", ông Phúc chia sẻ và cho biết thêm: "Hay như vấn đề quản lý vỉa hè cũng là một cuộc chiến. Vỉa hè là chỗ người dân đi lại hay là nơi kinh doanh? Bây giờ luật này phải quy định thế nào để giải quyết được vấn đề này?"
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, cũng cho rằng, luật Quản lý phát triển đô thị phải giải quyết được những hạn chế của vấn đề thu hồi đất cho phát triển đô thị, như tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ở đô thị, đường đắt nhất hành tinh hay những vấn đề về quản lý không gian đô thị như vụ việc tòa nhà 8B Lê Trực...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.