Chiều 23.5, các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn bước vào phần tranh luận nội dung luận tội của Viện KSND TP.HCM đối với hành vi phạm tội của Hứa Thị Phấn.
tin liên quan
Bất ngờ với thẻ nhớ ghi lại 'mối oan nghiệt' Công ty Phương Trang - Hứa Thị PhấnĐầu tiên, về thủ tục tố tụng hình sự, các LS bào chữa cho bị cáo Phấn cho rằng HĐXX nhận định việc Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên xử không gây trở ngại cho việc xét xử để đưa vụ án ra xét xử là vi phạm Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015. Trong khi điều luật này quy định bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Theo các luật sư, bởi lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan của bà Phấn là bị mất 93% sức khỏe theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y TP.HCM.
Đồng thời, theo các LS, việc có 3/5 thành viên HĐXX trong vụ án TrustBank trùng với HĐXX vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 là không đảm bảo tính vô tư, khách quan khi giải quyết vụ án.
Về nội dung vụ án, liên quan đến hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (của bị cáo Phấn) từ khoảng 158 tỉ đồng lên 1.260 tỉ đồng, để chuyển nhượng cho TrustBank, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.105 tỉ đồng, theo LS Trương Vĩnh Thủy, bào chữa cho bị cáo Phấn, nhận định luận tội của Viện KSND TP.HCM là chưa khách quan, toàn diện.
Cụ thể, việc định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự chưa đảm bảo tính khách quan khi định giá bằng phương pháp so sánh nhưng lại lấy nhà ở vị trí đường Nguyễn Đình Chiểu, Lý Chính Thắng để đối chiếu, so sánh là bất hợp lý…
Ngoài ra, theo các LS, cáo trạng không chỉ ra được về mặt khách quan của tội phạm, là đã phạm hành vi nào trong cấu thành cơ bản của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, dẫn đến chưa thỏa mãn được các yếu tố cấu thành tội danh trên.
|
Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, trong việc hạch toán thu chi khống, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỉ đồng, các LS này cho rằng mối quan hệ, làm ăn giữa Hứa Thị Phấn và nhóm Phương Trang như thế nào thì chỉ có các bên biết rõ nhất.
Đồng thời, các LS cho rằng quá trình thẩm vấn công khai tại tòa và nội dung luận tội của Viện KSND đã thể hiện một điều rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đang trọng cung hơn trọng chứng, là vi phạm nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.
Bởi mối quan hệ vay mượn tiền giữa nhóm Phương Trang và TrustBank, hồ sơ vụ án có các bút lục thể hiện: tháng 3.2012, những người đứng đầu nhóm Phương Trang xác nhận tổng dư nợ và lãi tại TrustBank là hơn 5.500 tỉ đồng, nợ trái phiếu Trường Vỹ và lãi gần 133 tỉ đồng; hồ sơ 82 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu 2.000 tỉ đồng đến nay chưa có trường hợp nào bị giả mạo, hồ sơ lập đúng quy định; sổ nhật ký quỹ của Công ty Phương Trang ghi nhận công ty này nhận trên 8.500 tỉ đồng từ 82 khoản vay tại TrustBank…
Tuy nhiên, theo các LS, chỉ vì Công ty Phương Trang chỉ thực nhận nợ hơn 3.936 tỉ đồng, số còn lại hơn 5.256 tỉ đồng nhóm Phương Trang chỉ khai không nhận được tiền hoặc nhận không đủ so với số tiền giải ngân nhưng vẫn được cáo trạng ghi nhận là không phù hợp.
Từ những quan điểm trên, các LS bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề, nhằm không bỏ lọt tội phạm, xét xử đúng người, đúng tội.
Bình luận (0)