'Mắt thần' của Huế

17/07/2019 10:11 GMT+7

Căn phòng rộng chỉ hơn 100 m 2 , với 49 người đang làm việc, nhưng lại được xem là “mắt thần” giám sát mọi hoạt động tại Thừa Thiên-Huế. Đó là Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh.

Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên-Huế (IOC) đặt ở tầng 3 tòa nhà Trung tâm CNTT của Sở TT-TT. Không phải là một cơ sở khang trang như nhiều người hình dung, nơi đây chỉ bao gồm 5 phòng chức năng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở TT-TT Thừa Thiên-Huế, cho biết IOC hiện đang tập trung giám sát các lĩnh vực trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, bước đầu phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. IOC còn thường xuyên trích xuất hình ảnh cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra trong các lĩnh vực giao thông, an ninh… Công cụ giám sát quan trọng nhất của “mắt thần” này là hệ thống cảm biến với 60 camera chất lượng được kết nối cùng với 182 camera của các phường, xã, hồ đập thủy điện và các cơ quan nhà nước. Hệ thống camera này sử dụng hạ tầng, giải pháp phân tích hình ảnh dùng chung, đường truyền, hệ thống lưu trữ tập trung, giải pháp quản lý camera tập trung tại IOC.

“Phơi mình” dưới mắt thần

Ngồi ở bàn chỉ huy của trung tâm, ông Nguyễn Xuân Sơn mở màn hình của một số camera đặt ở điểm cao tại trung tâm TP.Huế. PV Thanh Niên nhìn thấy rõ nét từng biển số thuyền du lịch chạy trên sông Hương, rõ mặt người đi bộ trong công viên hay hoạt động giao thông trên các tuyến đường của thành phố… Ông Sơn giải thích, chỉ khi cần phải phối kiểm mới “nhìn” bằng mắt, còn lại tất cả đều được giám sát và nhận diện lỗi vi phạm, thống kê, phân tích bằng công cụ thông minh. Với hệ thống giám sát được hỗ trợ bởi công nghệ thông minh, tất cả các lỗi vi phạm hoặc các vấn đề cần quan tâm của dịch vụ đô thị thông minh đều được máy tự động theo dõi.
Một góc làm việc của IOC Ảnh: B.N.L

Một góc làm việc của IOC

Ảnh: B.N.L

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, các sở, ngành, địa phương sử dụng công cụ thống nhất được đầu tư tại IOC (như Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh, ứng dụng Hue-S, ứng dụng Hue-G) để vận hành dịch vụ thông minh của ngành theo cơ chế phân quyền, chia sẻ. Đến nay, IOC đã thí điểm thành công và đưa vào vận hành chính thức 7 dịch vụ đô thị thông minh, gồm: dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, dịch vụ phản ánh hiện trường, dịch vụ giám sát thông tin báo chí, dịch vụ giám sát dịch vụ hành chính công, dịch vụ thẻ điện tử, dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, dịch vụ giám sát quảng cáo điện tử.
Cũng theo ông Sơn, thời gian tới IOC sẽ phối hợp các ngành để tích hợp các dịch vụ thông minh cơ bản trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường... theo đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh tại Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng 2025. Để “mắt thần” mở rộng phạm vi và hiệu quả giám sát, các dịch vụ cơ bản đô thị thông minh được triển khai từ năm 2019 sẽ được hoàn thiện theo hướng nâng cấp toàn diện, với quan điểm “Lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp là động lực và nhà nước kiến tạo”.

Địa phương đi đầu

Đoàn công tác của Bộ TT-TT vừa tìm hiểu tình hình triển khai Chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tại Thừa Thiên-Huế. Thăm IOC, ông Nguyễn Văn Phương (Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ TT-TT, trưởng đoàn) đánh giá Thừa Thiên-Huế là địa phương đi đầu cả nước về lĩnh vực này; đồng thời cho rằng các địa phương khác có thể đến trao đổi, học tập.
Dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên-Huế được vận hành thông qua Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh để kết nối, cung cấp dịch vụ và giải quyết mối quan hệ toàn diện giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, công dân (tại địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn). Đồng thời, được hỗ trợ các kênh tương tác khác như Fanpage, Zalo…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.