Chỉ trong vài ngày, phi công 2 chuyến bay đã báo cáo về việc máy bay bị tia laser chiếu thẳng vào khoang lái. Mới nhất, chuyến bay VJ312 từ TP.HCM đi Huế vừa cất cánh trên đường băng thì cơ trưởng phát hiện có tia laser chiếu vào buồng lái.
Trước đó, hôm 19.10, máy bay Boeing B777/HL8347 của Korean Air khi vừa thực hiện chuyến bay KE679 từ Seoul về Hà Nội, trong quá trình tiếp cận hạ cánh ở độ cao 1.500 m cách sân bay 10 dặm, tàu bay đã bị chiếu tia laser.
Việc chiếu tia laser khi máy bay đang hoạt động trong giai đoạn cất, hạ cánh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành máy bay của phi công, uy hiếp an toàn bay.
Tia laser chiếu vào buồng lái sẽ khiến phi công giật mình, phân tâm, bị gián đoạn kiểm soát máy bay. Tia laser cường độ mạnh thậm chí có thể gây mù mắt.
Theo Nghị định 162 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không, hành vi sử dụng đèn laser trong cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến việc tàu bay cất cánh, hạ cánh có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng
Lực lượng chức năng hàng không cũng ghi nhận nhiều sự cố máy bay bị va vào chim trong quá trình hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.
Cụ thể, ngày 23.10, máy bay A320 của Cathay Dragon trong quá trình tiếp cận hạ cánh, tổ bay thông báo nghi ngờ tàu bay va chạm với chim. Tàu bay hạ cánh, lăn vào vị trí an toàn. Sau khi kiểm tra, thợ máy xác định tàu bay vẫn đảm bảo khai thác.
Trước đó, ngày 18.10, máy bay A330/9M-MUB của Malaysia Airlines hạ cánh tại Nội Bài, trong quá trình kiểm tra kỹ thuật cho chuyến bay tiếp theo, thợ máy cũng phát hiện tại cánh tà trước của cánh trái của tàu bay có 1 vết lõm có kích thước nghi bị chim va vào.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tiến hành kiểm tra khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ và lộ trình lăn vào của 2 máy bay nhưng không phát hiện bất thường.
Bình luận (0)