Mét đất vùi cả nghĩa, tình…

13/10/2019 08:00 GMT+7

Dù đến ngày 14.10 tòa mới tuyên án, nhưng những gì diễn ra trong phiên xét xử tranh chấp đất khiến nhiều người không thể nén tiếng thở dài khi ngẫm về đạo hiếu - nghĩa tình...

Đầu tháng 10, có một gia đình gồm cả vợ, chồng, hai con và mẹ vợ cùng nhau vào phòng xét xử tại TAND TP.HCM. Nguyên nhân, sau ly hôn, người chồng đâm đơn đòi chia đất.

Nỗi lòng người mẹ, người bà

Hai mảnh đất gần 3.500 m2 tranh chấp, là tài sản do người vợ, bà N.T.H (56 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), đứng tên. Cưới nhau gần 20 năm, tình cảm vợ chồng chấm dứt bằng lá đơn ly dị. Ngày 14.3.2017, chồng bà, ông T.Đ.K (61 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) gửi đơn kiện lên TAND H.Củ Chi, buộc bà H. phải chia cho ông một nửa diện tích đất. Theo nguyên đơn, đây là tài sản chung của hai vợ chồng và chưa được TAND Q.Tân Bình giải quyết trong quá trình ly hôn.
“Đất đấy không phải của tôi, mà là của bố mẹ tôi. Lúc đó, bố mẹ tôi nghĩ đằng nào cũng già rồi, có mua đất thì sau này cũng cho con cho cháu nên mới để tôi đứng tên. Nếu tài sản này là của tôi, hay tài sản trong hôn nhân thì thậm chí ảnh được nhiều tài sản hơn thì tôi cũng không ý kiến. Tôi ôm hai đứa con ra đi, tòa xử thế nào tôi nghe thế ấy, tôi không lăn tăn chia chác một đồng. Vậy mà bây giờ ảnh lại là người kiện cáo”, trình bày trước HĐXX, giọng bà H. nghẹn ngào.
Ngồi kế con gái, đôi mắt cụ T.T.T (81 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) nhòe lệ. Nhìn con gái, con rể đưa nhau ra tòa để tranh chấp mảnh đất mình đang ở, phận làm mẹ, hỏi ai mà không đau, không xót? “Trước đây, tôi và chồng ở Đồng Nai, nhưng vì muốn gần con, gần cháu nên đã bán nhà, vay mượn thêm rồi mua khu đất ở xã Bình Mỹ, H.Củ Chi (TP.HCM). Vì sức khỏe yếu, tôi có nhờ con N.T.H đi mua và đứng tên giùm”, cụ T. trình bày với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan. Từ sau khi mua đất vào năm 2005, cũng chính cụ cùng chồng thuê người cải tạo, xây dựng căn nhà làm nơi con cháu cùng tụ họp. Vì vậy, cụ T. khẳng định người chủ thật sự của mảnh đất trên là hai vợ chồng cụ, chẳng phải con rể hay con gái.
“Năm đó, tôi đang học cấp 3, trước giờ, tôi chỉ nghe về miếng đất này qua lời kể của ông bà. Và, chính ông ngoại là người chở tôi đến xem miếng đất. Tôi còn nhớ, ông đã tự hào nói rằng đây là miếng đất ông sẽ về ở sau này”, T.D.M, con gái bà H., trả lời khi được HĐXX hỏi. Ánh mắt cô đăm đăm nhìn phía lưng bố mình trên hàng ghế nguyên đơn như thầm ước: “Giá mà gia đình mình không phải ở đây…”.
Tại các phiên tòa trước, lẫn phiên tòa hôm ấy, cụ T. vẫn giữ nguyện vọng muốn tòa hòa giải cho con, cháu. “Tôi cũng rất mong anh K. thỏa thuận, thống nhất để mảnh đất này cho các cháu, hai đứa mà anh đã cùng con gái tôi sinh thành, nuôi dưỡng. Dù sau này các cháu có ở nước ngoài hay ở nơi nào khác, thì vẫn có mảnh đất, căn nhà quay về tụ họp. Nếu anh làm được điều đó thì tôi vô cùng cảm ơn”, bằng một giọng chân thành, cụ bà 81 tuổi bày tỏ mong muốn của mình. Nghe đến đây, nhiều người có mặt tại phiên tòa thấy cay khóe mắt. “Tranh chấp làm gì? Dù sao thì tài sản cả đời làm lụng cũng chỉ để dành lo cho con cho cháu”, tiếng ai đó vọng lên.
“Đất vẫn là của chúng tôi mua, nhưng là mua cho con, cho cháu. Vì vậy, vợ chồng tôi mới đưa tiền cho con gái đi mua lẫn đứng tên. Gần đất xa trời, chứng kiến tình cảnh này, tôi đau lắm. Có hai đứa cháu ngoại, tôi rất thương. Chúng là hai cục vàng của tôi và tôi luôn muốn dành tất cả cho hai đứa. Gia đình chúng tôi đã từng không bao giờ có tranh chấp, có cãi nhau, lúc nào cũng đầy niềm vui, tiếng cười”, nói đến đây, giọng cụ T. nghẹn lại, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt gầy gò. Sống đến ngần ấy tuổi, cụ T. nào nghĩ tới mình phải 6 lần lặn lội đến tòa này, tòa nọ, dự từ sơ thẩm đến phúc thẩm vụ kiện của vợ chồng người con.

Mai này, con nghĩ về cha…

“Cuối cùng gút lại, cụ T. cũng chỉ muốn để lại mảnh đất cho hai đứa cháu ngoại. Đây cũng chính là hai đứa con ruột của ông và do vợ ông sinh ra. Như vậy thì trước sau gì tài sản đó cũng là của con ông nên ông có thể đưa ra một ý kiến nào đó ổn thỏa để kết thúc phiên tòa, giữ lại cái tình cảm cha con, bên bố mẹ vợ không?”, đại diện Viện kiểm sát hỏi nguyên đơn. “Tại phiên tòa hôm nay, cụ T. cũng đã nói đến nước đó rồi. Giờ chỉ còn phần ông nữa thôi, ông chỉ cần thỏa thuận rằng mảnh đất ấy không thuộc về ông hay bà H., cụ T. mà sẽ là của hai đứa con là mọi chuyện sẽ kết thúc”, HĐXX tiếp lời.
Nhiều người trong phiên tòa đều đồng tình với hướng giải quyết trên, rồi sẽ không còn một phiên tòa tiếp diễn, sẽ không ai phải chứng kiến hoàn cảnh đau lòng vợ chồng kiện nhau thêm một lần nào nữa. Nhưng…
“Tôi chỉ muốn giải quyết dứt điểm cái việc này. Tôi đề nghị tòa cứ theo đúng pháp luật mà làm”, lời ông K. như gáo nước lạnh dội thẳng vào phòng xử.
“Ông muốn giải quyết dứt điểm là giải quyết như thế nào? Ông chỉ cần thỏa thuận rằng mảnh đất sẽ thuộc về hai đứa con của ông là được. Sau này ông không định dành ra chút gì cho con mình hay sao?”, chủ tọa hỏi ông K.
Phòng xử xôn xao lời bàn tán. Còn hai con ông T., dù đã hai mươi, ba mươi tuổi, đều gục đầu nức nở sau lời lạnh lùng của bố mình trước tòa.
“Tôi cũng là mẹ, tất cả những gì tôi làm tôi sẽ dành hết cho con của mình, hy sinh tất cả mọi thứ vì những đứa trẻ mình sinh ra. Có người bố, người mẹ phải đi làm thuê, làm mướn, chịu nhịn đói để con được ăn no. Ông quay lại nhìn hai đứa con của ông đi. Hai đứa ngồi ở dưới đang khóc kia kìa. Nếu ông tranh giành như vầy nữa thì ông đang tranh giành với con ông, chứ không phải tranh giành với bà H. và cụ T. nữa”, HĐXX kiên trì giải thích với ông K.
“Tôi muốn lấy quyền của tôi để cho con chứ không phải người khác. Lúc nào tôi cho cũng được chứ không phải lúc này”, với lý do đó, ông K. khước từ thỏa thuận.
Trong tiếng xôn xao phòng xử, hai người con ông K. ngước nhìn cha rồi vội cúi xuống tránh những ánh mắt thương cảm của mọi người xung quanh.
“Tôi và em tôi chưa bao giờ nghĩ rằng miếng đất của ông bà ngoại là của hai chị em. Trong thâm tâm của hai chị em tôi, đó là miếng đất của ông bà ngoại. Tôi không nghĩ tôi sẽ phải đứng lên nói xấu về bố như thế này. Nhưng tôi không chịu được…”, vừa khóc, chị M. vừa trình bày trước HĐXX.
Chữ hiếu, tại phiên tòa này, M. và em trai không biết đặt ở đâu. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, họ phải nói, dù biết điều đó sẽ chống lại mong muốn về tài sản của cha mình.

Nguyên đơn không chứng minh được tiền mua đất

Theo đơn khởi kiện, ông K. yêu cầu bà H. chia cho ông 1/2 phần diện tích đất 3.365 m2 và phần diện tích đất 214,2 m2 do bà H. đứng tên. Theo ông K., đây là tài sản chung giữa ông và bà H. và chưa được TAND Q.Tân Bình giải quyết trong quá trình ly hôn.
Tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 6.2019, TAND H.Củ Chi (TP.HCM) tuyên bác đơn khởi kiện của ông K. Theo HĐXX, ông K. không chứng minh được thu nhập thực tế vào thời điểm nhận chuyển nhượng 2 phần đất nêu trên. Trong quá trình chung sống, thu nhập từ việc kinh doanh của ông K. chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, có khi còn phải nhờ sự hỗ trợ về kinh tế từ ba mẹ ruột bà H. Từ đó, có cơ sở xác định vào thời điểm năm 2005 ông K. và bà H. không đủ khả năng kinh tế để nhận chuyển nhượng 2 phần đất trên.
Sau đó, ông K. làm đơn kháng cáo lên TAND TP.HCM. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.