Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ rời cương vị cũ để được trình ra Quốc hội bầu vào cương vị mới - Chủ tịch nước.
Để chuẩn bị cho việc Quốc hội (QH) sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào sáng nay (2.4), chiều 1.4 Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày tờ trình ra QH.
Bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tờ trình nêu rõ, tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được QH tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng. “Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Nay, “do yêu cầu sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội XIII, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn bộ máy nhà nước và công tác cán bộ”, Chủ tịch nước đã trân trọng đề nghị QH miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Sau khi nghe tờ trình, QH đã thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng, một nội dung bắt buộc trong quy trình nhân sự. Sáng nay, QH sẽ bỏ phiếu kín và thông qua một nghị quyết riêng về việc miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc sẽ được giới thiệu để QH bầu vào vị trí Chủ tịch nước, theo tiết lộ của Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Việc trình nhân sự, theo lịch trình sẽ diễn ra vào chiều nay, trước khi QH bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Xuân Phúc vào vị trí mới trong đầu tuần sau.
Cũng trong chiều 2.4, QH sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Như vậy, sau chiều nay, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch nước mà ông đã đảm nhiệm thêm từ tháng 10.2018.
Đề xuất xây dựng bảng lương riêng cho các đại biểu dân cử
Bên cạnh nội dung nhân sự, chiều 1.4, sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra, QH thảo luận về quy định số lượng đại biểu (ĐB) chuyên trách của HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, Chính phủ đề xuất tăng tổng số ĐB hoạt động chuyên trách của HĐND TP.Hà Nội lên 19 người; tăng 9 người so với quy định hiện tại (tối đa là 10 người). Cụ thể là tăng 1 phó chủ tịch HĐND, 4 phó trưởng ban và 4 ủy viên hoạt động chuyên trách tại 4 ban của HĐND TP.
Tán thành với đề xuất của Chính phủ song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong hệ thống thang, bảng lương hiện chưa có quy định về lương, phụ cấp và chế độ chính sách cho chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban của HĐND. Dự thảo đề án các chức danh, chức vụ tương đương từ T.Ư đến cơ sở và dự thảo Đề án cải cách tiền lương do Ban Tổ chức T.Ư đang chuẩn bị cũng chưa có quy định về vị trí và mức lương dành cho chức danh này. Từ đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban của HĐND TP.Hà Nội và TP.HCM.
Thảo luận sau đó, nhiều ĐB đề nghị phải nâng mức lương, phụ cấp cho ủy viên chuyên trách của các ban HĐND. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị mức lương, phụ cấp của đối tượng này ít nhất phải tương đương hoặc bằng phó giám đốc sở. “Như thế cũng là một cách để chúng ta động viên, thu hút những người có năng lực”, ông Hoàng nói.
Cùng quan điểm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng “một ĐB HĐND chuyên trách ở TP mà chỉ tương đương với trưởng phòng, chưa bằng cấp phó của giám đốc sở làm sao giám sát được giám đốc sở”. Với quan điểm cho rằng, ĐBQH, ĐB HĐND là nhân vật chính trị, tiếp nhận sự ủy thác quyền lực của nhân dân thông qua bầu cử, ông Vân đề xuất phải nghiên cứu để xây dựng một bảng lương riêng cho hệ thống dân cử (ĐBQH và HĐND - PV).
“QH không nên có một hệ thống chức danh có tính chất hành chính”, ông Vân nói và đề xuất lương của ĐBQH khởi điểm phải bằng lương thứ trưởng.
Quốc hội có 3 phó chủ tịch mớiSáng 1.4, QH cũng đã bầu 3 phó chủ tịch QH mới, thay thế 3 người đã được miễn nhiệm. Đó là các ông: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, và ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Có 455/456 ĐB có mặt đã tán thành thông qua nghị quyết về việc bầu 3 phó chủ tịch QH này.
Trước đó, theo kết quả kiểm phiếu, có 475 ĐB có mặt trong tổng số 480 ĐB của khóa XIV bỏ phiếu, với 472 phiếu hợp lệ. Ông Trần Thanh Mẫn có 460 ĐB đồng ý, 12 ĐB không đồng ý. Ông Nguyễn Đức Hải có 457 ĐB đồng ý, 15 ĐB không đồng ý. Ông Nguyễn Khắc Định có 454 ĐB đồng ý, 18 ĐB không đồng ý.
|
Bình luận (0)